Trung Quốc có thể giảm 30% khí phát thải nếu tập trung cải thiện các thành phố

Theo nghiên cứu mới công bố ngày 27/6, Trung Quốc có thể cắt giảm 30% lượng khí thải nếu có những kế hoạch hành động cụ thể nhằm vào các khu đô thị trên toàn quốc.

Chú thích ảnh
Trung Quốc là quốc gia có mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cao nhất trên thế giới. Ảnh: carbonbrief.org

 

Nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Đông Anglia (UEA) cho rằng Trung Quốc cần tập trung vào các khu vực đô thị khi triển khai các kế hoạch nhằm đạt dược những mục tiêu cấp quốc gia đã nêu trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo chuyên gia Dabo Guan, phụ trách nhóm nghiên cứu, để thực hiện thành công những cam kết đưa ra, Trung Quốc cần có ý tưởng rõ ràng về cách thức cắt giảm khí thải ở cấp địa phương mà không gây tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế các vùng này.

 


Nghiên cứu đầu tiên về mức khí phát thải từ 182 thành phố tại Trung Quốc cho thấy việc xây dựng chính sách hạn chế khí thải tại các vùng đô thị của Trung Quốc là rất quan trọng. Theo nghiên cứu, nếu Trung Quốc có thể cải thiện năng suất và tầm ảnh hưởng môi trường của 5% các đơn vị gây ô nhiễm cao nhất tại các thành phố lớn, mức xả thải của cả nước sẽ giảm 30%. Nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt rõ rệt về mức độ phát triển kinh tế và mức khí phát thải ở các thành phố ở Trung Quốc, từ các khu đô thị công nghệ cao tới những khu sản xuất phụ thuộc vào than đá. Vì vậy, để hạn chế hiệu quả mức khí thải gây ô nhiễm, mỗi thành phố ở Trung Quốc nên xây dựng lộ trình cụ thể, tùy theo điều kiện kinh tế, tình hình ngành năng lượng và mức xả thải carbon của mỗi nơi.

 


Trung Quốc là quốc gia có mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cao nhất trên thế giới. Theo Hiệp định Paris, Bắc Kinh cam kết giảm 60% khí thải carbon. Một số thành phố giàu có bậc nhất tại Trung Quốc như Thượng Hải trong 5 năm qua đã cắt giảm đáng kể lượng khí thải nhờ đầu tư vào công nghệ tái tạo và đưa những cơ sở sản xuất tiêu hao nhiều năng lượng ra khỏi thành phố. Ngược lại, nhiều thành phố sản xuất tại tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc, vì còn phụ thuộc rất nhiều vào than đá phục vụ các hoạt động sản xuất nên mức khí phát thải hàng năm không những không giảm mà tiếp tục tăng hơn 1,5%.

 

TTXVN/Báo Tin tức
Sử dụng hệ thống các khu bảo tồn như là biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Sử dụng hệ thống các khu bảo tồn như là biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Nhân Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 23-29/6, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường về những vấn đề liên quan đến Quy hoạch không gian cho các khu bảo tồn để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN