Sự thay đổi này có thể đặc biệt trầm trọng tại Đông Nam Á, nơi gạo là thành tố chính trong khẩu phần ăn hàng ngày của người dân khu vực.
Gạo đóng bao tại một nhà máy ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo tạp chí Science Advances (Các tiến bộ Khoa học) số ra mới đây, các nhà nghiên cứu nhận thấy hàm lượng sắt, kẽm, protein và các loại vitamin B1, B2, B5 và B9 - giúp cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng - đều giảm trong thóc gạo được trồng trong các điều kiện nồng độ CO2 cao hơn. Trong đó, hàm lượng vitamin B1 (thiamine) giảm 17,1% và tính trung bình, hàm lượng protein giảm 10,3%, hàm lượng sắt giảm 8% và kẽm giảm 5,1%, so với lúa gạo được trồng trong các điều kiện CO2 hiện thời.
Đồng tác giả của bản báo cáo, giáo sư Adam Drewnowski thuộc trường Đại học Washington, cho biết hiện tượng khí hậu ấm lên trên toàn cầu, biến đổi khí hậu, đặc biệt là các loại khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2, có thể tác động đến hàm lượng dinh dưỡng của các loại cây trồng được sử dụng làm thức ăn. Điều đó có thể gây tổn hại trầm trọng đến các quốc gia dùng nhiều gạo - nơi khoảng 70% lượng calo và phần lớn nguồn dinh dưỡng đến từ gạo.
Trong khi đó, tạp chí Nature (Thiên nhiên) ngày 24/5 dẫn cảnh báo của các nhà nghiên cứu nhận định rằng thất bại trong nỗ lực hạn chế dưới 2 độ C mức tăng của nhiệt độ Trái đất so với thời tiền công nghiệp có thể "tước đi" nhiều chục nghìn tỷ USD của nền kinh tế thế giới trong vòng 80 năm tới. Những thiệt hại và chi phí hỗ trợ cho việc khắc phục các tác động của thời tiết khắc nghiệt, năng suất cây trồng thấp và ảnh hường về sức khỏe dự báo sẽ gia tăng.
Hiểu theo cách khác, trong gần một thế kỷ nữa, nền kinh tế toàn cầu trong điều kiện nhiệt độ trái đất chỉ tăng 1,5 độ C sẽ tạo thêm 20.000 tỷ USD cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với nền kinh tế hoạt động trong điều kiện nhiệt độ ở nhiệt độ tăng thêm 2 độ C. Thiếu hụt protein và vitamin có thể dẫn đến hiện tượng chậm phát triển, dị tật bẩm sinh, bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng và tử vong sớm.