Trung - Nhật - Hàn và cuộc họp được quyết định vào phút chót

Trong hai ngày 23 - 24/8, Ngoại trưởng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiến hành hội nghị đầu tiên tại Tokyo trong 5 năm qua. Cuộc gặp được kỳ vọng là một kênh trao đổi quan trọng giúp “hạ nhiệt” căng thẳng đang leo thang giữa ba nước láng giềng này, cũng như giải quyết các vấn đề cấp bách trong khu vực.

Ba ngoại trưởng Đông Bắc Á nhóm họp trong bối cảnh mối đe dọa hạt nhân trong khu vực đang lên cao. Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư ngày 6/1/2016 và từ đầu năm đến nay liên tiếp thử tên lửa đạn đạo bất chấp các lệnh cấm của Liên hợp quốc, đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định của khu vực.

Mới đây nhất, ngày 18/8, Triều Tiên thông báo nối lại hoạt động sản xuất plutonium bằng việc tái chế các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng - công nghệ có thể dẫn tới chế tạo bom hạt nhân. Động thái của Triều Tiên đã đẩy tình hình khu vực “nóng” thêm. Giới chuyên gia lo ngại Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 vào bất cứ lúc nào. Trước mối đe dọa chung lớn như vậy, nhưng cuộc gặp ngoại trưởng ba bên lần này chỉ được quyết định vào phút chót do căng thẳng đặc biệt tăng cao giữa ba cường quốc châu Á thời gian gần đây.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (giữa), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hàn Quốc năm 2015. Ảnh: AFP

Vùng biển quanh quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản quản lý (mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư) đã “dậy sóng” khi hàng trăm tàu cá Trung Quốc liên tiếp đi vào khu vực này, khiến Nhật Bản hơn 30 lần bày tỏ phản đối qua các kênh ngoại giao kể từ ngày 5/8. Sự xuất hiện ồ ạt của tàu Trung Quốc diễn ra sau khi Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7 trong vụ kiện Biển Đông do Philippines đứng đơn nhằm vào Trung Quốc. Trung Quốc đề nghị Nhật Bản đứng ngoài cuộc.

Tuy không phải là một bên tranh chấp tại Biển Đông, nhưng Nhật Bản lên tiếng bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Trung Quốc vạch “giới hạn đỏ”, cảnh báo đáp trả bằng hành động quân sự nếu các tàu của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) tham gia các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) mà Mỹ tiến hành tại Biển Đông. Hiện chính phủ Nhật Bản chưa có kế hoạch tham gia các FONOP của Mỹ, tuy nhiên để ngỏ khả năng điều tàu của SDF tới các vùng biển tranh chấp để bảo vệ tàu của Mỹ dựa trên các đạo luật an ninh mới.

Sức “nóng” tại biển Hoa Đông đã buộc chính phủ Nhật Bản cân nhắc phát triển một chương trình tên lửa mới “để bảo vệ an toàn lãnh thổ” tại các hòn đảo biệt lập mà nước này tuyên bố chủ quyền. Theo kế hoạch, đây sẽ là một dàn tên lửa đất đối hạm tối tân với tầm bắn 300 km. Với tầm bắn này, một khi được bố trí tại Miyako (thuộc tỉnh Okinawa) vào năm 2023, dàn tên lửa mới sẽ bao phủ khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các chuyên gia lo ngại bất cứ sự leo thang căng thẳng nào giữa hai cường quốc này sẽ làm gia tăng rủi ro đụng độ quân sự.

Bên cạnh căng thẳng với Nhật Bản, quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc cũng không êm ấm, nhất là sau khi Mỹ và Hàn Quốc nhất trí triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc do những lo ngại từ mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc dự tính muộn nhất là vào cuối năm 2017, THAAD tại Hàn Quốc sẽ được đưa vào sử dụng. Tính năng ưu việt của hệ thống này là có thể đánh chặn mục tiêu ở độ cao 150 km tính từ mặt đất, đủ để tiêu diệt tên lửa ở ngoài tầng khí quyển. Mấu chốt của THAAD là radar băng tần X với phạm vi có thể bao trùm toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và vùng Viễn Đông của Nga.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối Mỹ bố trí THAAD tại Hàn Quốc, cho rằng việc này thực chất nhằm vào hệ thống tên lửa của Trung Quốc và sẽ phá vỡ thế cân bằng chiến lược trong khu vực. Tuy nhiên, Mỹ và Hàn Quốc khẳng định THAAD nhằm bảo vệ người dân Hàn Quốc và lực lượng quân đội Mỹ trước mối đe dọa của vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, không nhằm vào nước thứ ba.

Ở cạnh cuối cùng của “tam giác” này, quan hệ Nhật - Hàn cũng không kém phần căng thẳng do các hậu quả từ quá khứ. Đầu tháng 8, tranh chấp biển đảo cũng bùng lên khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tuyên bố đưa quần đảo Takeshima (hiện Seoul đang kiểm soát và gọi là Dokdo) vào Sách trắng Quốc phòng và mô tả đây là lãnh thổ của Nhật Bản. Hàn Quốc kịch kiệt lên án hành động trên. Căng thẳng gia tăng khi 10 nghị sĩ Hàn Quốc đã tới thăm quần đảo này ngày 15/8, bất chấp sự phản đối của Nhật Bản.

Diễn ra trong bối cảnh khu vực có nhiều biến động và quan hệ ba bên “căng như dây đàn”, cuộc gặp ba ngoại trưởng lần này tạo cơ hội quý báu để các quan chức ba nước cùng nhau tìm giải pháp cho các vấn đề cấp bách chung, đồng thời trao đổi ý kiến hướng tới mở rộng hợp tác có lợi cho tất cả các bên. Trong hai ngày họp, các ngoại trưởng xoay quanh chủ đề việc hợp tác ba bên trong các vấn đề môi trường, phòng chống thiên tai và thúc đẩy hợp tác kinh tế, trong đó có việc tiến tới kết thúc đàm phán thương mại tự do (FTA) ba bên, đồng thời thảo luận biện pháp phối hợp nhằm đối phó với các thách thức an ninh khu vực và quốc tế.

Hợp tác ba bên Trung - Nhật - Hàn đã được khôi phục hoàn toàn tại cuộc gặp thượng đỉnh năm 2015 ở Hàn Quốc sau ba năm rưỡi bị đình trệ. Khi đó, lãnh đạo ba nước đã gạt bỏ những hiềm khích trong lịch sử để thảo luận các mối quan tâm chung về an ninh và thương mại trong 90 phút họp ở Seoul. Hội nghị tại Nhật Bản tuần này nhằm chuẩn bị nội dung cho hội nghị thượng đỉnh ba bên, dự kiến được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, sẽ diễn ra tại Trung Quốc vào đầu tháng 9 tới. Đây là cơ hội để Ngoại trưởng Nhật Bản truyền tải đến người đồng cấp hai nước láng giềng thông điệp của Nhật Bản muốn giải quyết triệt để mọi vấn đề để hàn gắn quan hệ ba bên.
Bạch Dương
Nhật Bản diễn tập bắn đạn thật gần núi Phú Sĩ
Nhật Bản diễn tập bắn đạn thật gần núi Phú Sĩ

Ngày 25/8, quân đội Nhật Bản đã bắt đầu cuộc diễn tập bắn đạn thật kéo dài 4 ngày gần núi Phú Sĩ (Fuji), cách thủ đô Tokyo 80 km về phía Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN