Trung Đông và Bắc Phi tiếp tục “nóng”

Tình hình ở các nước Trung Đông và Bắc Phi vẫn diễn biến căng thẳng khi máu tiếp tục đổ và số người thương vong không ngừng tăng lên sau các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.

Ngày 20/2, hàng nghìn người đã xuống đường tại một loạt thành phố lớn ở Marốc đòi cải cách chính trị và hạn chế quyền lực của Vua Mohammed VI. Các cuộc biểu tình đã diễn ra tại thủ đô Rabát, thành phố Casablanca cùng nhiều thành phố khác. Phương thức huy động biểu tình tại Marốc cũng giống các cuộc xuống đường ở các nước trong khu vực như Tuynidi, Ai Cập, Baranh, Yêmen và Angiêri, được gọi chung là "các cuộc cách mạng Facebook".

Những người biểu tình dựng trại tại Quảng trường Pearl ở thủ đô Manama của Baranh. Ảnh: AFP - TTXVN

Đến giữa ngày, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra trong hòa bình. Một số người biểu tình cho biết, họ không chống lại nhà vua song họ muốn có việc làm và sự công bằng. Tại Libi, những người biểu tình vẫn tiếp tục diễu hành trên các đường phố và vây quanh khu tòa án ở thành phố Benghazi, thành phố lớn thứ hai của nước này, để yêu cầu Tổng thống Kadhafi từ chức.

Trước tình hình trên, cũng trong ngày 20/2, chính phủ Libi đã triển khai thêm quân đội tại Benghazi để kiểm soát tình hình. Theo các nguồn tin nước ngoài, số người thiệt mạng ở Libi trong những ngày qua đã lên con số 100. Chỉ riêng trong ngày 19/2, đã có 15 người thiệt mạng và nhiều người bị thương trong vụ đụng độ giữa cảnh sát và đám đông dự một lễ tang tại Benghazi.

Hãng thông tấn chính thức Jana của Libi ngày 19/2 đưa tin, nhà chức trách Libi đã bắt giữ hàng chục thành viên của một mạng lưới những người Arập bị tình nghi đang tìm cách gây bất ổn tại nước này. Tại Baranh, các nhà lãnh đạo phe đối lập ở nước này đang nghiên cứu những đề nghị đàm phán với chính phủ cầm quyền sau gần một tuần xảy ra các cuộc đụng độ giữa người chống đối và cảnh sát.

Ít nhất đã có 7 người chết và hàng trăm người bị thương kể từ khi làn sóng biểu tình đòi thay đổi chính quyền nước này. Trong khi đó, ít nhất 10 người đã thiệt mạng và nhiều người bị thương sau khi cảnh sát bắn vào đám đông biểu tình chống chính phủ trong suốt tuần qua tại Yêmen.

Ngày 20/2, cảnh sát Yêmen đã tiến hành bắt giữ nhà lãnh đạo phe đối lập Hassan Baoum, ngay sau khi ông này đến đây để tham gia vào đoàn biểu tình.
Lê Hải
(Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN