Trung Đông và Bắc Phi lún sâu vào khủng hoảng

Ngày 28/2, khủng hoảng chính trị tại các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi tiếp tục xấu đi nghiêm trọng trong bối cảnh làn sóng biểu tình tiếp tục gia tăng, đặc biệt là Libi. Phe đối lập và các nước phương Tây vẫn gây sức ép mạnh mẽ nhằm buộc Tổng thống Moamer Kadhafi phải từ chức.

Lực lượng nổi dậy lấy vũ khí từ một căn cứ quân sự ở thành phố Benghazi, miền đông Libi ngày 28/2. Ảnh: AFP - TTXVN

Trong bối cảnh bất ổn tại khu vực gồm nhiều nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới này chưa có dấu hiệu lắng dịu, thị trường dầu mỏ đang phải chịu những tác động tiêu cực, đẩy giá dầu lên mức kỷ lục trong vòng nhiều tháng qua.

Sức ép gia tăng

Tại Libi, lực lượng chống chính phủ đã tràn tới các thị trấn ở miền tây, vốn được xem là “thành trì truyền thống” của những người ủng hộ ông Kadhafi. Cựu Bộ trưởng Tư Pháp Libi Mustafa Mohamed Abud Al Jeleil thông báo một chính phủ chuyển tiếp đã được thành lập, đặt trụ sở tại thành phố Benghazi ở miền đông, "thành trì" của cuộc nổi dậy chống nhà lãnh đạo Kadhafi.

Tuy nhiên, ông Kadhafi tiếp tục có những tuyên bố cứng rắn cho rằng những nhóm “phiến loạn” được sự hẫu thuẫn từ bên ngoài đang bị bao vây và sẽ bị đánh bại hoàn toàn. Nhà lãnh đạo Libi cũng bác bỏ các biện pháp trừng phạt mới của LHQ đối với ông. Trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại với đài truyền hình Pink của Xécbia, ông Kadhafi nhấn mạnh cuộc bỏ phiếu hôm 26/2 tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ áp đặt các lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với ông và các trợ lý thân cận là không có hiệu lực. Ông cũng tuyên bố sẽ ở lại Libi, đổ lỗi cho người nước ngoài cũng như Al Qaeda gây ra tình trạng bạo loạn hiện nay.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết Mỹ sẵn sàng “hỗ trợ dưới bất cứ hình thức nào” cho những lực lượng đang tìm cách lật đổ chính phủ của ông Kadhafi. Bộ trưởng Quốc phòng Italia Ignazio La Russa thông báo Italia đã đình chỉ Hiệp định hữu nghị với Libi (theo đó, Rôma không tham gia bất kỳ hành động quân sự nào chống lại chính quyền Kadhafi), mở đường để Italia tham gia bất cứ phái bộ gìn giữ hòa bình nào được triển khai đến Libi.

Trong một diễn biến khác, Ôman là quốc gia mới nhất trong thế giới Arập hứng chịu sự lây lan của làn sóng biểu tình chống chính phủ. Đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh đã làm ít nhất một người thiệt mạng. Theo thông tin của hãng AFP, cảnh sát đã bắn đạn hơi cay và đạn cao su vào những phần tử biểu tình quá khích tại thị trấn Sohar (cách thủ đô Maxcát khoảng 200 km về phía tây bắc). Những người biểu tình đã đốt phá các tòa nhà chính quyền và xe cộ.

Tại Yêmen, Tổng thống nước này Ali Abdullah Saleh tuyên bố sẽ bảo vệ chế độ của mình bằng mọi giá. Bất chấp làn sóng biểu tình dâng cao trong hai tuần qua, ông Saleh vẫn kiên quyết không từ chức.


Hãng thông tấn nhà nước Saba dẫn lời Tổng thống Saleh tố cáo phe đối lập tìm cách khơi lại nỗ lực ly khai đã từng gây nên một cuộc nội chiến ngắn ở nước này năm 1994. Các cuộc đụng độ gần như diễn ra hàng ngày kể từ ngày 16/2 vừa qua giữa lực lượng an ninh và người biểu tình chống chính phủ tại Yêmen, tính đến thời điểm này, theo hãng AFP, đã cướp đi mạng sống của ít nhất 19 người.

Trong khi đó, giữa bối cảnh hàng nghìn người Baranh dòng Shiite cùng ngày tiếp tục tuần hành ở thủ đô Manama đòi chính phủ do người Sunni lãnh đạo từ chức, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với một “cuộc đối thoại dân tộc” tại Baranh và cho rằng cuộc đối thoại này nên “bao gồm tất cả các bên, không phe phái và có trách nhiệm” đối với người dân của vương quốc vùng Vịnh này.

Thị trường dầu mỏ bùng nổ

Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi đang gia tăng, giá dầu mỏ đang có xu hướng tăng mạnh. Các chuyên gia của hãng tin Bloomberg dự đoán giá dầu sẽ tăng lên 130 USD/thùng trong tháng 3 tới nếu tình hình tại các nước trong khu vực này không có dấu hiệu lắng dịu.

Thông tin về việc lực lượng không quân Libi oanh kích một loạt thành phố, trong đó có thành phố El-Zavia, nơi "đóng đô" của nhà máy lọc dầu lớn nhất Libi, đã tác động mạnh tới thị trường dầu mỏ, đẩy giá nhiên liệu này lên các mức cao nhất trong hai năm. Thêm vào đó, tuyên bố của thủ lĩnh bộ tộc Al Zuai ở phía đông Libi đe dọa sẽ ngừng cung cấp dầu mỏ, nếu như các nhà lãnh đạo Libi không chấm dứt việc mà ông cho là “đàn áp những người chống đối”, càng làm tăng tình trạng căng thẳng trên thị trường nhiên liệu thế giới.

Trong khi đó, tình hình căng thẳng tại Iran -nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cũng đang gây nên những lo ngại đối với thị trường dầu mỏ. Theo giới phân tích, trong trường hợp căng thẳng tại nước này tiếp tục gia tăng, giá dầu thế giới hoàn toàn có thể lập một kỷ lục mới.

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cũng đã sẵn sàng các biện pháp ứng phó với những tác động từ tình hình bất ổn ở Libi đối với thị trường dầu mỏ thế giới. Đại diện của IEA thông báo: “Chúng tôi sẵn sàng trong trường hợp cần thiết sẽ cung cấp dầu mỏ từ các nguồn dự trữ hiện có”. Theo vị đại diện này, hiện nay xuất khẩu dầu mỏ của Libi đã giảm 50.000 thùng/ngày.

Ông Aleksey Kozlov, Phó Giám đốc bộ phận buôn bán cổ phiếu thuộc công ty Investment Company, cho rằng giá dầu hiện nay đã bao hàm những yếu tố rủi ro liên quan tới sự bất ổn định. Việc giá dầu tiếp tục tăng có thể sẽ ảnh hưởng tới sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, vì vậy, mối quan tâm của cả OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ khác chắc chắn không chỉ nằm ở chỗ giá dầu mỏ sẽ tăng lên bao nhiêu trong thời gian tới.

Nam
Hạnh (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN