Trong 1 tuần, Mỹ căng thẳng với 36 quốc gia

Tuần qua là một tuần bận rộn với ngành ngoại giao Mỹ, khi có 36 quốc gia bị Mỹ dọa trừng phạt hoặc chỉ trích.

Chú thích ảnh
Quốc gia bị Mỹ đe dọa trong tuần qua được đánh dấu đỏ trên bản đồ. Ảnh: RT

Hãng tin RT (Nga) ngày 2/6 đưa tin chỉ trong vòng 1 tuần Washington đã đưa ra các phản ứng cứng rắn, chỉ trích hoặc đe dọa trừng phạt nhằm vào 36 nước.  

Mexico là mục tiêu mới nhất. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/5 tuyên bố Washington sẽ áp mức thuế 5% đối với tất cả hàng hóa Mexico xuất khẩu vào Mỹ bắt đầu từ ngày 10/6 tới và biện pháp này sẽ kéo dài cho tới khi Mexico ngăn chặn hiệu quả "làn sóng người di cư bất hợp pháp" vào Mỹ. Tổng thống Mỹ cho biết thuế sẽ dần tăng cho tới khi vấn đề nhập cư bất hợp pháp được giải quyết và khi đó thuế sẽ được dỡ bỏ.

Trong khi đó, tại châu Á, Ấn Độ buộc phải đối mặt với một lựa chọn: hoặc là ngừng mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 của Nga hoặc Ấn Độ có thể sẽ bị trừng phạt theo đạo luật CAATSA (Đạo luật chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt). Một quan chức cấp cao giấu tên trong Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay việc Ấn Độ quyết định mua S-400 có thể cản trở cơ hội hợp tác quốc phòng với Mỹ trong tương lai, trong đó có cung cấp thiết bị quân sự hiện đại.

Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận được một lời đe dọa liên quan đến thương vụ S-400 với Nga. Ngày 30/5, quyền Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế của Mỹ, bà Kathryn Wheelbarger, khẳng định nếu Ankara kiên quyết mua S-400 của Moskva, quốc gia này sẽ bị loại khỏi  chương trình sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Ankara đã đầu tư 1,25 tỷ USD vào chương trình đắt đỏ này và có rất nhiều phần linh kiện trong máy bay được làm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì vậy, nếu thực sự Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi chương trình F-35 thì vẫn chưa rõ phía nào thiệt hại nhiều hơn.

Toàn bộ 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể phải đối mặt với hình phạt nếu họ tìm cách giao dịch với Iran bằng cơ chế nhân đạo phi USD của mình để “lách” lệnh cấm vận của Mỹ. Nỗ lực để được thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 với Tehran, các quốc gia thành viên EU chưa sẵn sàng từ bỏ thỏa thuận này. Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Iran Brian Hook ngày 30/5 khẳng định Washington sẽ mạnh tay áp dụng CAATSA với các nước có ý định hỗ trợ Iran.

Cuba mới đây cũng bị chính quyền Tổng thống Trump phản ứng khi bày tỏ ủng hộ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Trong chuyến công du tới Canada hôm 30/5, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence kêu gọi Ottawa ngăn chặn điều được ông đánh giá là “ảnh hưởng xấu” của Havana đối với các vấn đề của Venezuela.

Mỹ cũng đưa ra những lời cảnh báo, đe dọa trên các mặt trận đối đầu lâu năm với Iran, Trung Quốc, Nga và Venezuela. Theo RT, hầu như không có tuần nào mà chính quyền Tổng thống Trump không đưa ra những lời cáo buộc nhằm vào các nước, ngay cả đối với các quốc gia đồng minh của Washington.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Thuế trừng phạt của Mỹ ít tác động đến vốn đầu tư vào Trung Quốc
Thuế trừng phạt của Mỹ ít tác động đến vốn đầu tư vào Trung Quốc

Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) vừa cho biết thuế nhập khẩu của Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc ít có ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN