Đây là gói hỗ trợ được Chính phủ Hàn Quốc dành cho 70% hộ gia đình thu nhập thấp đang gặp khó khăn vì dịch bệnh.
Đúng một tuần sau khi chính phủ công bố về gói trợ cấp này, đảng Dân chủ Đồng hành cầm quyền (DP) đã bày tỏ ý muốn sửa đổi nội dung với kiến nghị mở rộng đối tượng hưởng hỗ trợ ra "toàn dân" thay vì 70% hộ gia đình thu nhập thấp như đề xuất ban đầu. Điều này có nghĩa là chính phủ sẽ phải huy động thêm từ 3.000 đến 4.000 tỷ won (tương đương 2,45 đến 3,27 tỷ USD) mới đảm bảo đủ kinh phí hỗ trợ tất cả người dân "xứ sở Kim chi". Chủ tịch Ủy ban Đối sách bầu cử thường trực của DP Lee Hae-chan khẳng định nhiệm vụ của nhà nước là bảo hộ người dân, không phân biệt khu vực, thu nhập hay tầng lớp xã hội.
Cuối tuần trước, Chủ tịch đảng Hợp nhất Tương lai Hwang Kyo-ahn kêu gọi mức trợ cấp khẩn cấp 500.000 won/người (khoảng 410 USD). Để thực hiện theo đề xuất này, Hàn Quốc sẽ cần khoản tiền lên tới 25.000 tỷ won (20,4 tỷ USD), nhiều hơn hẳn số tiền dự tính của chính phủ và DP cầm quyền. Ông Hwang Kyo-ahn cũng khẳng định thêm rằng gói cứu trợ này chỉ có thể được tiến hành trong một tuần với điều kiện có thêm sắc lệnh khẩn cấp của tổng thống.
Đảng Dân sinh cũng đề nghị mức hỗ trợ 500.000 won/người nhưng trích từ khoản tiền quyết toán cuối năm của tầng lớp thu nhập cao. Đảng Công lý kêu gọi hỗ trợ mỗi người dân 1 triệu won (807 USD) và phải triển khai thực hiện ngay trong tháng 4 này. Trong khi đó, Chủ tịch Đảng Vì quốc dân Ahn Cheol-soo lại nhấn mạnh đến việc cần tiến hành công tác điều tra mức độ thiệt hại do dịch COVID-19, phân loại theo tầng lớp để nhanh chóng tiến hành hỗ trợ người dân đảm bảo công bằng và hợp lý.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ sớm đề xuất dự thảo ngân sách bổ sung lần hai. Dự kiến các nội dung liên quan đến gói hỗ trợ khẩn cấp (như quy mô, thời gian, phương hướng) sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận tại phiên họp quốc hội bất thường diễn ra ngay sau tổng tuyển cử.
Cũng liên quan tới cuộc bầu cử quốc hội, ngày 7/4, Ủy ban Bầu cử trung ương Hàn Quốc (NEC) cho biết do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử sớm ở nước ngoài ở mức thấp kỷ lục 23,8%.
Số liệu thống kê của NEC cho thấy chỉ có 4.858 cử tri (trong tổng số 171.959 cử tri đủ tư cách) ở nước ngoài đã tham gia bỏ phiếu sớm bầu cử Quốc hội khóa 21 tại các điểm bỏ phiếu đặt trong cơ quan đại diện ngoại giao của Hàn Quốc ở nước ngoài. Đây là số lượng cử tri thấp kỷ lục kể từ khi cuộc bỏ phiếu sớm ở nước ngoài được triển khai thực hiện từ năm 2012. Riêng năm đầu tiên thực hiện đã có 45,7% cử tri tham gia và năm 2016 là 41,4%.
Cuộc bỏ phiếu sớm dành cho các cử tri ở nước ngoài được tiến hành từ ngày 1-6/4 tại 85 cơ quan đại diện ngoại giao của Hàn Quốc. Trước đó, NEC đã quyết định dừng hoạt động này ở 91 cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước và vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 khiến 87.200 cử tri không có cơ hội được bỏ lá phiếu của mình.
Theo kế hoạch ban đầu, các hòm phiếu sẽ được niêm phong và chuyển về Hàn Quốc. Trong trường hợp bất khả kháng, NEC sẽ cho phép tiến hành kiểm phiếu ngay tại trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao. Cũng theo NEC, có 1.610 cử tri đủ tư cách ở nước ngoài đã về nước và đăng ký bỏ phiếu tại nơi cư trú.