Quyết định trên được xem là mới nhất trong một loạt các biện pháp mà Bình Nhưỡng đưa ra nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 khởi phát tại Trung Quốc và hiện đang lây lan rộng sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có nước láng giềng Hàn Quốc. Đài phát thanh Trung ương Triều Tiên nêu rõ: "Công tác cách ly, kiểm dịch và giáo dục phòng chống lây nhiễm đang diễn ra mạnh mẽ từ các trung tâm chăm sóc trẻ và mẫu giáo tới bậc đại học. Kỳ nghỉ cho sinh viên cũng được kéo dài để ngăn chặn nguy cơ virus SARS-CoV-2 có thể lây lan".
Theo thông lệ, kỳ nghỉ của các trường mẫu giáo và phổ thông tại Triều Tiên diễn ra từ tháng 1 đến giữa tháng 2, các trường đại học nghỉ trong tháng 1.
Cho đến nay, Triều Tiên vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 nào, song công tác ngăn chặn dịch đã được triển khai từ nhiều ngày qua. Ngoài việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc và Nga, nước này cũng tăng cường biện pháp cách ly đối với tất cả những người nước ngoài đến Triều Tiên, đồng thời khuyến cáo người dân không nên tập trung nơi đông người, cũng như hủy giải chạy marathon quốc tế lớn dự kiến diễn ra giữa tháng 4 tới.
Trong diễn biến liên quan, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) về tình hình nhân quyền ở Triều Tiên, ông Tomas Ojea Quintana, hôm 26/2 kêu gọi Bình Nhưỡng trao quyền cho nhân viên y tế nước ngoài được tiếp cận đầy đủ ở Triều Tiên và hạ thấp mức độ kiểm soát tiếp cận thông tin nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 có thể bùng phát ở nước này.
Ông Ojea Quintana cho rằng mặc dù chưa có trường hợp nhiễm COVID-19 chính thức nào ở Triều Tiên, nhưng quốc gia Đông Bắc Á này sẽ dễ bị tổn thương nếu dịch bùng phát vì có đường biên giới dài với Trung Quốc, thiếu cơ sở hạ tầng y tế và các trang thiết bị y tế trọng yếu. Cũng theo ông Ojea Quintana, cần xem xét lại các biện pháp trừng phạt đang áp đặt đối với Triều Tiên.
Cho đến nay đã có gần 80.000 trường hợp nhiễm COVID-19 được báo cáo trên toàn thế giới cùng với hơn 2.700 ca tử vong.