Triều Tiên: 'Đánh chặn vệ tinh là hành động chiến tranh'

Theo Tân Hoa xã, CHDCND Triều Tiên ngày 5/4 tiếp tục khẳng định vệ tinh mà nước này có kế hoạch phóng sắp tới là nhằm phục vụ mục đích hòa bình, đồng thời cảnh báo việc đánh chặn vệ tinh này sẽ là hành động chiến tranh.

Một phát ngôn viên Ủy ban Tái thiết hòa bình của Triều Tiên tuyên bố vệ tinh của nước này hoàn toàn mang tính chất hòa bình và hành động đánh chặn vệ tinh này "sẽ dẫn đến thảm họa ghê gớm".

Sau khi Triều Tiên ngày 28/3 công bố kế hoạch phóng vệ tinh Kwangmyongsong-3 vào giữa tháng Tư nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại, cho rằng đây thực chất là một vụ thử tên lửa và kêu gọi Bình Nhưỡng hủy bỏ kế hoạch này.

Quân đội ba nước này đã lên kế hoạch điều động tàu khu trục có trang bị hệ thống chống tên lửa đạn đạo đến vùng biển xung quanh bán đảo Triều Tiên để đối phó với kế hoạch phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng. Theo đó, Hàn Quốc sẽ huy động tàu khu trục "Kinh Sejong”, từng được sử dụng để giám sát việc thử tên lửa Taepodong-2 của Bình Nhưỡng năm 2009. Mỹ điều động 5 đến 6 tàu khu trục có trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa SM-3 đến Hoàng Hải, căn cứ Okinawa (Nhật Bản) và vùng biển gần Philíppin. Nhật Bản điều động 2 tàu khu trục kèm tàu chiến đến Okinawa. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết sẽ phối hợp với Hàn Quốc và Nhật Bản để giám sát chặt chẽ kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên.

Báo chí Nhật Bản ngày 6/4 đưa tin Lực lượng phòng vệ của nước này đã hoàn tất việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không PAC-3 để đối phó với vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên. Các tên lửa PAC-3 đã được triển khai tại bốn địa điểm thuộc Okinawa - gồm thủ phủ Naha, Miyako, Nanjo và Ishigaki. Nhật Bản cũng sẽ triển khai tên lửa PAC-3 tại các khu vực huấn luyện của Lực lượng phòng vệ ở Tôkiô là Ichigaya, Narashino và Asaka.


Nhật Bản đã sẵn sàng kích hoạt hệ thống đánh chặn tên lửa nước này, trong đó có cả tên lửa đất đối không PAC-3 để bắn hạ tên lửa đẩy tầm xa của Triều Tiên. Trong ảnh: Binh sĩ Nhật gác bên hệ thống đánh chặn tên lửa PAC-3. Ảnh: AFP/TTXVN



Kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên có thể sẽ là trọng tâm thảo luận tại cuộc hội đàm ngoại trưởng ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, dự kiến diễn ra vào ngày 8/4, tại thành phố Ninh Ba, miền Đông Trung Quốc.

Các nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết Triều Tiên đã mời cơ quan vũ trụ của 8 nước, trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Nga, và Cơ quan vũ trụ Châu Âu (ESA), tới quan sát vụ phóng vệ tinh của nước này trong khoảng thời gian từ 12-16/4. Cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) đã từ chối lời mời, trong khi Cơ quan thám hiểm vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cũng đã thông báo với phía Triều Tiên rằng theo chỉ đạo của Chính phủ Nhật Bản, cơ quan này sẽ không cử đại diện tới quan sát vụ phóng vệ tinh.

Trong khi đó, tờ Chosun Ilbo ngày 6/4 dẫn một nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc cho biết Hàn Quốc và Mỹ tháng trước đã tiến hành tập trận chung với nội dung đưa binh sĩ Hàn Quốc vào Triều Tiên trong tình huống khẩn cấp.

Theo nguồn tin trên, nội dung diễn tập này được thực hiện trong khuôn khổ cuộc tập trận chung thường niên "Giải pháp Then chốt" giữa hai nước, bao gồm triển khai hơn 100.000 binh sĩ Hàn Quốc đến Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên hoạt động triển khai quân này được thực hiện trong một cuộc tập trận.

Cuộc tập trận "Giải pháp Then chốt" diễn ra trong hai tuần, từ ngày 27/2.

TTXVN/Tin tức


Các tàu ngầm Triều Tiên "biến mất" sau khi rời căn cứ
Các tàu ngầm Triều Tiên "biến mất" sau khi rời căn cứ

Tờ Dong-A Ilbo của Hàn Quốc ngày 5/4 dẫn một nguồn tin quân sự cho biết, Hàn Quốc đang theo dõi 3 hay 4 chiếc tàu ngầm của CHDCND Triều Tiên đã "biến mất" sau khi rời hai căn cứ ở bờ biển phía đông nước này trong thời gian gần đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN