Theo hãng tin Reuters, KCNA đã công bố những bức ảnh về các đầu đạn được đặt tên là Hwasan-31 trong chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Viện Vũ khí Hạt nhân, nơi ông kiểm tra vũ khí hạt nhân chiến thuật mới và công nghệ lắp đầu đạn trên tên lửa đạn đạo, cũng như các kế hoạch hoạt động phản công hạt nhân.
Các chuyên gia cho rằng những hình ảnh này có thể cho thấy Triều Tiên tiến bộ trong thu nhỏ đầu đạn vừa đủ mạnh nhưng đủ nhỏ để gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công nước Mỹ.
Ông Kune Y.Suh, Giáo sư danh dự về kỹ thuật hạt nhân tại Đại học Quốc gia Seoul, đã so sánh các đầu đạn mới với phiên bản năm 2016 và cho biết: "Đầu đạn này có thứ gì đó mạnh mẽ hơn trong một không gian nhỏ hơn... Điều đó thật đáng lo ngại”.
Ông George William Herbert, Phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí hạt nhân thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, nhận định rằng các bức ảnh cho thấy cải thiện đáng kể về kích thước so với vũ khí hạt nhân trước đây của Triều Tiên và có thể là cả bước tiến về thiết kế.
KCNA cho biết Chủ tịch Kim Jong-un đã có tầm nhìn xa khi ra lệnh sản xuất các vật liệu cấp độ vũ khí để tăng cường kho vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân và sản xuất vũ khí mạnh mẽ.
Ông Kim Jong-un cho rằng kẻ thù của lực lượng hạt nhân Triều Tiên không phải là một quốc gia hay tổ chức cụ thể mà là chiến tranh và thảm họa hạt nhân. Do đó, chính sách mở rộng kho vũ khí của Triều Tiên chỉ nhằm mục đích bảo vệ đất nước cũng như hòa bình và ổn định khu vực.
Ông Kim Jong-un cũng được thông báo về hệ thống quản lý vũ khí hạt nhân tích hợp dựa trên công nghệ thông tin có tên Haekbangashhoe, có nghĩa là bộ kích hoạt hạt nhân, có độ chính xác, độ tin cậy và an ninh đã được xác minh trong các cuộc tập trận mô phỏng một cuộc phản công hạt nhân gần đây.
Triều Tiên đã tăng cường các cuộc thử nghiệm quân sự, bắn tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngày 27/3 và tiến hành một cuộc phản công hạt nhân mô phỏng vào tuần trước nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc - hai quốc gia mà Triều Tiên cáo buộc đang diễn tập một cuộc xâm chiếm thông qua các cuộc tập trận chung.
Quân đội Triều Tiên đã mô phỏng một vụ nổ hạt nhân bằng hai tên lửa đạn đạo chiến thuật trong cuộc huấn luyện ngày 27/3, đồng thời thử nghiệm lại các hệ thống vũ khí chiến lược dưới nước vào ngày 25-27/3.
Tất cả các hoạt động này diễn ra khi một nhóm tàu sân bay của Mỹ do tàu sân bay USS Nimitz dẫn đầu chuẩn bị đến một căn cứ hải quân ở Hàn Quốc vào ngày 28/3 sau khi tiến hành các cuộc tập trận chung một ngày trước đó.
Các quan chức Hàn Quốc cho biết các cuộc tập trận chung có mục đích cải thiện khả năng răn đe mở rộng của Mỹ, gồm khả năng quân sự, đặc biệt là lực lượng hạt nhân, để ngăn chặn các cuộc tấn công vào các đồng minh trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng tăng. Sự xuất hiện của chiếc tàu sân bay này lần đầu tiên sau gần sáu năm cũng đánh dấu mốc kỷ niệm 70 năm liên minh của Hàn Quốc với Mỹ.
Triều Tiên đã cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc gây căng thẳng bằng các cuộc tập trận chung này. Một bài bình luận trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan truyền thông của Đảng Lao động Triều Tiên, cho rằng các cuộc tập trận, đặc biệt là những cuộc tập trận có sự tham gia của tàu sân bay, giống như một lời tuyên chiến công khai và chuẩn bị cho một cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên.
Trước đó, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel ngày 27/3 tuyên bố các mục tiêu của nước này vẫn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc tham gia đối thoại với Bình Nhưỡng.
Ông Patel cũng khẳng định các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn và sự hợp tác giữa 2 nước này đã có từ lâu, mang tính chất phòng thủ và là hoạt động thường xuyên. Theo ông Patel, Mỹ không có ý định thù địch và cam kết bảo vệ an ninh của Hàn Quốc, cũng như đảm bảo thế trận phòng thủ của hai nước.