Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu tại Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA/TTXVN
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un gần đây đã chủ trì một cuộc họp của Ban Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn các hành vi đúng đắn và đảm bảo các thành viên trong đảng tuân thủ. Tờ báo chính thức của đảng, Rodong Sinmun, đưa tin rằng cuộc họp này được triệu tập để giải quyết nhiều thiếu sót về kỷ luật, bao gồm cả việc một số quan chức của đảng uống rượu quá độ.
Cuộc họp đặc biệt quan tâm đến vụ vi vi phạm kỷ luật của đảng tại quận Onchon (cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 60km về phía Tây). Các quan chức đảng ở quận Onchon bị cáo buộc là không chuẩn bị đầy đủ cho cuộc họp đảng địa phương của họ, kết quả là cuộc họp được tổ chức “nặng tính hình thức”.
Trong lịch sử chính trị của Triều Tiên, những lời khiển trách về “tính hình thức” thường liên quan đến việc quá tôn sùng các chính phủ nước ngoài. Nhưng trong trường hợp ở quận Onchon, điều đó có nghĩa là các quan chức tại đây đã thực hiện công việc không đủ sự nhiệt tình, trách nhiệm, không thực sự vào việc, mà chỉ làm hình thức.
Sự thiếu trách nhiệm này được cho là đã được thể hiện rõ hơn khi 40 quan chức Onchon tham gia vào một cuộc nhậu nhẹt - hành động được coi là trực tiếp trái ngược với đường lối của đảng về việc duy trì kỷ luật. Trong phiên bản tiếng Anh của bài báo trên tờ Rodong Sinmun, những quan chức này bị gắn mác là "nhóm tham nhũng". Nhưng trong phiên bản tiếng Triều Tiên, họ còn bị lên án là “nhóm suy đồi” và “đám ô hợp ngạo mạn”.
Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố rằng hành vi của các quan chức đảng là một tội ác "chính trị và đạo đức" làm suy yếu nền tảng của đảng.
Do đó, Ban chấp hành Quận ủy Onchon đã bị giải tán và 40 quan chức tham gia vào cuộc vui say xỉn đã bị kỷ luật. Mặc dù không đề cập đến hình phạt mà các quan chức sẽ phải chịu, nhưng rất có thể ít nhất họ sẽ phải chịu sự giáo dục lại về tư tưởng.
Những cáo buộc về hành vi say rượu và nghiện rượu dẫn đến biện pháp kỷ luật quan chức đảng không phải là điều gì mới mẻ ở Triều Tiên. Vào tháng 12/1955, ông Pak Il U (lúc đó là bộ trưởng bưu chính viễn thông) bị cáo buộc có lối sống đồi trụy và nghiện rượu. Ông bị khai trừ khỏi Đảng Lao động Triều Tiên và bị bỏ tù.
Uống rượu không phải là bất hợp pháp ở Triều Tiên. Rượu có sự hiện diện mạnh mẽ trong văn hóa. Rượu được sử dụng trong những dịp trang trọng để ăn mừng đám cưới, giải tỏa nỗi buồn trong đám tang và kỷ niệm ngày sinh của các nhà lãnh đạo.
Trong những năm gần đây, Triều Tiên thậm chí còn quảng bá các sản phẩm có cồn của mình trên tem bưu chính. Năm 2022, chính phủ đã phát hành một con tem mô tả ba loại bia Taedonggang, sản xuất tại một nhà máy bia trong nước và được đặt theo tên của dòng sông Taedong chảy qua Bình Nhưỡng.
Năm tiếp theo, một con tem mô tả rượu Soju Bình Nhưỡng đã được phát hành. Loại rượu làm từ gạo và ngô này đã được sản xuất tại một nhà máy quốc doanh từ năm 2009. Với độ cồn là 25%, rượu soju của Triều Tiên có hàm lượng cồn cao hơn so với phiên bản bán chạy nhất của Hàn Quốc, Jinro Chamisul Original (20,1% ABV).
Vào tháng 6/2015, ông Kim Jong-un đã chỉ định Soju Bình Nhưỡng là rượu quốc gia - nhấn mạnh rằng rượu giữ một vị trí quan trọng trong di sản văn hóa của Triều Tiên và xã hội đương đại.
Điều đó không có nghĩa là người Triều Tiên uống nhiều rượu hơn so với ở miền Nam bán đảo. Theo thống kê trước đại dịch COVID-19, người dân Hàn Quốc uống nhiều rượu gấp đôi người Triều Tiên. Lý do một phần là ở Triều Tiên, một lít rượu có giá tương đương chi phí ăn uống của một người trong một ngày.
Chủ tịch Kim Jong-un đã tuyên bố rằng uống rượu quá mức được coi là một tệ nạn chính trị và đạo đức. Việc sử dụng rượu và các loại ma túy khác, như sử dụng methamphetamine, là một dấu hiệu của sự suy thoái đạo đức.