Triển lãm ảnh "Ống kính Việt Nam" tại Paris

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trong khuôn khổ Năm giao lưu Việt Nam tại Pháp 2014, Bảo tàng Cernuschi-Bảo tàng về Nghệ thuật châu Á của Paris phối hợp với trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (EFEO) tổ chức triển lãm ảnh "Ống kính Việt Nam" từ 13/3 đến 29/6, nhằm trưng bày bộ sưu tập ảnh đen trắng về các phong tục tập quán và di tích khảo cổ tại Việt Nam được EFEO lưu giữ trong hàng chục năm qua.

Hàng trăm bức ảnh được chụp trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 19 đến khoảng giữa thế kỷ 20 đã giới thiệu với công chúng Pháp và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp các truyền thống lâu đời của Việt Nam (lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời, lễ tế Đàn Nam Giao do nhà vua Bảo Đại làm chủ lễ, lễ công bố kết quả các cuộc thi Đình, thi Hội ở các tỉnh phía Bắc…), cảnh sinh hoạt đời thường của người dân, và đặc biệt là các di tích lịch sử của Việt Nam mà nhiều công trình ngày nay không còn nữa.

Hai bức ảnh mô tả cảnh khắc chữ trên bia tiến sĩ.


Thông qua cuộc triển lãm, công chúng cũng thấy được tâm huyết và công sức của các nhà thám hiểm, nhà bác học, nhà khảo cổ học người Pháp, những người ngay từ thế kỷ 19, đã say mê nghiên cứu nền văn minh Việt Nam và đóng góp vào việc giữ gìn các di sản văn hóa và tinh thần đó thông qua việc thành lập các bảo tàng đầu tiên tại Việt Nam. Đó là những cái tên đã trở nên quen thuộc với giới nghiên cứu như Louis Bezacier (kiến trúc sư, khảo cổ học), Louis Finot (Giám đốc đầu tiên trường Viễn đông Bác cổ), Jean Manikus (nhiếp ảnh gia), René Mercier (họa sĩ), Henri Parmentier (kiến trúc sư, khảo cổ học)…

Theo chị Isabelle Poujol, chuyên gia nghiên cứu của trường Viễn đông Bác cổ, các ghi chép và các bức ảnh tư liệu có một ý nghĩa khoa học rất lớn, nó cho thấy các di tích khảo cổ như các khu đền tháp đã được phát hiện và trùng tu như thế nào, các công trình xây cất các bảo tàng ở Đà Nẵng và Hà Nội đã được tiến hành ra sao ở vào thời điểm cách đây cả trăm năm. Đây thực sự là những tư liệu hết sức quý báu cho phép các thế hệ trẻ nghiên cứu và tìm hiểu về nền văn hóa Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, nhấn mạnh vào việc cần phải nghiên cứu và khai thác kho di sản phong phú giữa Việt Nam và Pháp, và kinh nghiệm của Pháp trong việc bảo tồn các di sản. Ông nói : « Hai nước Việt Nam và Pháp có quá trình gắn bó lâu dài trong suốt chiều dài lịch sử. Tuy lịch sử có lúc thăng lúc trầm, nhưng quá trình gắn bó đó chưa bao giờ bị đứt đoạn. Giữa Việt Nam và Pháp có những di sản chung cần phải gìn giữ và cả hai nước đều có ý thức được điều đó. Hiện nay, Pháp còn lưu giữ rất nhiều tư liệu về Việt Nam. Các tư liệu này rất phong phú và hữu ích cho nghiên cứu về văn hóa và lịch sử Việt Nam".


Triển lãm "Ống kính Việt Nam" là sự nối tiếp của cuộc triển lãm "Từ Sông Hồng tới Mê Kông", được tổ chức trong năm 2012 về đề tài các họa sĩ Pháp tại Việt Nam, việc thành lập trường Mỹ thuật Đông dương năm 1924 và việc đào tạo vào những năm 1930 các họa sĩ bản địa trên cơ sở kết hợp kỹ thuật cũng như các giá trị thẩm mỹ mới của phương Tây và việc phát huy bản sắc và giá trị nghệ thuật truyền thống của Việt nam. Một triển lãm cũng hết sức thành công đối với bảo tàng Cernuschi, để lại ấn tượng đẹp về Việt Nam trong lòng du khách.


Bích Hà


Việt Nam kêu gọi Mỹ đóng góp nhiều hơn khắc phục hậu quả bom mìn
Việt Nam kêu gọi Mỹ đóng góp nhiều hơn khắc phục hậu quả bom mìn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi Hoa Kỳ với lương tâm và trách nhiệm của mình, đóng góp nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vào việc tìm kiếm, rà soát, làm sạch, khắc phục hậu quả bom mìn còn lại sau chiến tranh ở Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN