Đài Sputnik dẫn nguồn tin an ninh trên cho biết Tổng thống Ashraf Ghani không bị thương trong vụ đánh bom và đã được hộ tống tới địa điểm an toàn.
Vvụ nổ bắt nguồn từ một quả bom từ trường giấu trong một chiếc xe ô tô ở gần địa điểm tổ chức cuộc tiếp xúc cử tri. Bà Wahida Shahkar, nữ phát ngôn viên của Thống đốc tỉnh Parwan ban đầu cho biết vụ nổ không gây thương vong. Tuy nhiên, hàng loạt phương tiện truyền thông đưa tin đã có khoảng 14 – 25 người thiệt mạng và ít nhất 30 người bị thương sau vụ đánh bom trên.
“Phụ nữ và trẻ em nằm trong số người thiệt mạng và phần lớn nạn nhân là dân thường. Xe cứu thương đang được điều động và con số thương vong có thể tăng thêm”, ông Abdul Qasim Sangin, Giám đốc bệnh viện tỉnh Parwan nói.
Ủy ban bầu cử Afghanistan thông báo hồi tháng 3 rằng cuộc bầu cử tổng thống ở nước này sẽ diễn ra ngày 28/9. Nhóm phiến quân Taliban đã đe dọa phá hoại cuộc bầu cử này. Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại rằng Taliban có thể tấn công các mục tiêu dân thường tham gia bỏ phiếu.
Năm nay, có tổng cộng 18 ứng cử viên chạy đua cho chiếc ghế Tổng thống Afghanistan. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã hủy buổi đàm phán với người đồng cấp Afghanistan Ghani và các thủ lĩnh Taliban tại Trại David sau khi xảy ra một vụ đánh bom xe ở Kabul, khiến một lính Mỹ thiệt mạng.
Vụ đánh bom xảy ra sau khi giới chức Afghanistan cảnh báo các tay súng Taliban đang leo thang các cuộc tấn công mới tại nhiều tỉnh thành khác nhau, trong bối cảnh quốc gia Tây Nam Á này đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống.
Một làn sóng bạo lực đã làm rung chuyển Afghanistan bất chấp dự thảo thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban, theo đó hàng nghìn binh sĩ Mỹ sẽ rút khỏi nước này đổi lấy các cam kết an ninh của Taliban.
Giới chức Afghanistan ngày 15/9 cho biết lực lượng an ninh của nước này được các lực lượng Mỹ hậu thuẫn đã tiêu diệt 2 thủ lĩnh cấp cao và ít nhất 38 tay súng của nhóm phiến quân Taliban trong chiến dịch không kích chung ở các khu vực phía Tây và Bắc của Afghanistan.
Một quan chức an ninh cấp cao ở Kabul cho hay chiến dịch trên nhằm chặn đứng các vụ tấn công của Taliban nhắm vào các lực lượng Afghanistan, vốn leo thang sau khi đàm phán giữa Mỹ và Taliban sụp đổ.
Tình hình an ninh bất ổn ở Afghanistan và các cuộc tấn công của phiến quân đã ngăn cản các ứng cử viên tham gia tranh cử tổng thống lần này, đồng thời làm dấy lên lo ngại về khả năng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sẽ rất thấp.
Ngày 16/9, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani vào phút chót đã từ chối tham gia một cuộc tranh luận trên truyền hình với đối thủ chính của ông trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống Afghanistan - quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan Abdullah Abdullah.
Ông Ashraf Ghani là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2014, nhưng những cáo buộc về gian lận lá phiếu đã buộc ông phải chia sẻ quyền lực theo một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian, với một chức danh đặc biệt là "quan chức điều hành cấp cao" được lập ra cho người về thứ nhì là ông Abdullah.
Nhiệm kỳ của Tổng thống Ashraf Ghani đã bị phủ bóng đen bởi bạo lực của phiến quân, dân thường chịu thương vong cao kỷ lục, đấu đá chính trị, sự chia rẽ sắc tộc ngày càng sâu sắc và tâm lý bi quan bao trùm của người dân.