Vùng đô thị Manila, nơi có 13 triệu người sinh sống, đã thực hiện cách ly tại cộng đồng nghiêm ngặt hơn kể từ ngày 6/8 nhằm ngăn chặn biến thể Delta lây lan. Chính phủ đã ban hành quy định giao hàng hoá thiết yếu đến tận nhà cho người dân, trong khi các doanh nghiệp như thẩm mỹ viện và phòng tập thể dục buộc phải đóng cửa. Các nhà hàng cũng bị hạn chế hoạt động.
Tờ Nikkei đưa tin ngày 6/9, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Harry Roque cho biết các biện pháp giới hạn trước đó đã được dỡ bỏ theo quy định kiểm dịch cộng đồng chung. Quy định mới sẽ được áp dụng tại đô thị Manila từ ngày 8/9 cho đến hết tháng 9.
Theo đó, vùng Manila sẽ áp dụng chính sách phong toả chia nhỏ theo từng khu vực cụ thể chứ không trên diện rộng như trước đây. Ông Roque nói: "Không nhất thiết phải phong tỏa toàn bộ ngôi làng. Có thể chỉ là một con phố hay một nhà riêng, hoặc một cộng đồng".
Ông nêu rõ dù ở diện cục bộ nhưng mọi quy tắc vẫn sẽ nghiêm ngặt như phong toả diện rộng. Thực phẩm sẽ được vận chuyển đến những vùng phong tỏa chia nhỏ.
Chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte đang chịu sức ép nới lỏng biện pháp phòng chống dịch. Các biện pháp này có thể giáng thêm đòn cho nền kinh tế Philippines trước thời điểm mùa bầu cử năm sau, khi ông có kế hoạch tranh cử chức phó tổng thống.
Giới doanh nghiệp cũng phản đối biện pháp phong toả dài hạn. "Đại dịch COVID-19 là một vấn đề về thuốc điều trị, trong khi phong tỏa là một giải pháp quân sự hóa. Nền kinh tế của chúng ta đang biến dạng sau nhiều đợt đóng cửa kéo dài và COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines Edgardo Lacson nói.
Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez cũng ủng hộ phong tỏa chia nhỏ, còn cố vấn về khởi nghiệp kinh doanh Joey của Tổng thống Duterte đã kêu gọi nới lỏng hạn chế đối với các cá nhân được tiêm chủng.
“Theo luật phong toả cục bộ, các doanh nghiệp được phép hoạt động dựa trên những quy tắc kiểm dịch nhất định”, ông Lopez trả lời đài phát thanh DZBB cuối tuần qua.
Ông Nicholas Antonio Mapa, nhà kinh tế cấp cao tại ING Bank Manila, cho biết động thái phong toả chia nhỏ diễn ra trong bối cảnh cuộc suy thoái kinh tế có nguy cơ biến thành suy thoái toàn diện.
Ông Mapa cho rằng vẫn còn phải đánh giá xem liệu những động thái như vậy có hiệu quả trong việc đưa nền kinh tế trở lại nhịp hoạt động mà vẫn khống chế được số ca mắc COVID-19 mới hàng ngày hay không.
Bộ Y tế Philippines ngày 6/9 thông báo đã ghi nhận số người mắc COVID-19 kỷ lục lên đến 22.415 trong 24 giờ qua, sau bốn ngày liên tiếp vượt quá 20.000 ca. Tổng sống ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này hiện là 2,1 triệu người và 34.337 người tử vong.
Vùng đô thị Manila và các khu vực phụ cận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chủ yếu do biến thể Delta. Phát biểu họp báo, Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết tình hình dịch COVID-19 và hệ thống y tế nước này vẫn đang trong tình trạng rủi ro cao.
95% số tỉnh, thành ở Philippines đang bị đặt trong tình trạng báo động cấp độ 3 và 4, trong khi hệ thống y tế tại hơn 50% khu vực có rủi ro cao. Riêng vùng đô thị Manila, có tới 16/17 thành phố phải áp dụng tình trạng báo động cấp độ 4. Bà Vergeire cảnh báo số ca mắc COVID-19 ở nước này có thể sẽ còn tăng trong vài tuần tới do biến thể siêu lây nhiễm Delta.