Trận địa mìn gây tổn thất cho Ukraine nhiều hơn pháo binh

Cuộc xung đột ở Ukraine đã hé lộ những tiến bộ quân sự mới, với máy bay không người lái hay hệ thống tên lửa công nghệ cao. Nhưng mìn mới là thứ sát thương binh lính nhiều nhất.

Chú thích ảnh
Các loại mìn chưa nổ và thiết bị nổ khác được đội rà phá bom mìn Ukraine tìm thấy ở một cánh đồng không xa thị trấn Brovary, phía đông bắc Kiev vào tháng 4/2022. Ảnh: AFP/Getty Images 

Theo tờ Insider, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã cho thấy những tác động khủng khiếp của một số tiến bộ mới nhất của thế giới trong công nghệ thời chiến, từ phương tiện không người lái trên không và trên biển cho đến các hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, nhưng theo báo cáo của các binh sĩ Ukraine trên thực địa, thì mìn và bẫy mìn đang gây ra thiệt hại nhiều hơn.

Các bãi mìn dày đặc đang buộc quân đội Ukraine phải từ bỏ xe tăng phương Tây để đảm nhận công việc tẻ nhạt và nguy hiểm đến tính mạng là rà phá các bãi mìn được trang bị chất nổ trên khắp phòng tuyến dài hàng trăm kilomet với bề rộng tới 16km. 

Mìn gây sát thương cho quân đội hơn là pháo binh - một bác sĩ Ukraine nói với tờ New York Times.

"Bạn không thể làm bất cứ điều gì chỉ với một chiếc xe tăng với vài lớp giáp vì bãi mìn quá dày và sớm hay muộn, nó sẽ dừng lại, sau đó sẽ bị tiêu diệt bởi hỏa lực tập trung", Tổng tư lệnh Ukraine Valery Zaluzhny nói với tờ Washington Post.

Thay vào đó, những người lính Ukraine được giao nhiệm vụ rà phá bom mìn đang sử dụng các đầu dò dài và máy dò kim loại để gõ nhẹ vào mặt đất dọc theo các cánh đồng có bẫy mìn, xác định mìn và dọn sạch một con đường hẹp để lính bộ binh đi theo. Nhưng công việc này chỉ đơn giản trên lý thuyết.

Binh sĩ Ukraine có thể xác định vị trí của những bẫy mìn bằng cách xem xác những con vật đã chết gần đó sau khi rơi vào bẫy. Đồng thời, các thanh sợi thủy tinh được sử dụng thay cho máy dò kim loại để tìm mìn kích hoạt bằng điện. Trong những trường hợp không thể gỡ mìn, các chuyên gia sẽ thực hiện các phương pháp kích nổ không điển hình, chẳng hạn như sử dụng dây thừng và móc để gỡ bẫy dây từ xa.

Các quả mìn do quân đội Nga gài ở Ukraine thường được chôn cùng với các thiết bị chống gỡ khiến chất nổ bên trong phát nổ khi chạm vào. Thiếu tá người Ukraine Maksym Prysyazhnyuk, một chuyên gia rà phá bom mìn, nói với tờ New York Times rằng một "mánh khóe" phổ biến đang bị các đội của anh phát hiện, đó là họ bắt gặp mìn sát thương được chôn ngay trước dây bẫy mìn đã mở chốt để nhắm vào những người lính tìm cách vô hiệu hóa mìn.

Những người lính Ukraine cũng phải đối mặt với cái gọi là "mìn nhảy" - loại mìn phóng ra mảnh đạn sau khi bị dẫm lên, khiến những người lính gần đó cũng bị trúng những mảnh nhựa và kim loại. Những quả "mìn lá" vỏ nhựa, màu xanh lá cây - còn được gọi là "mìn cánh bướm" hoặc "cánh hoa", nằm rải rác trong khu vực. Các vết thương do mìn nhựa gây ra đặc biệt khó điều trị, vì các bác sĩ không thể xác định vị trí mảnh đạn nhựa găm vào cơ thể bằng các phương pháp truyền thống như chụp X-quang.

"Để rà phá bom mìn, bạn phải có nhiều động lực và một cái đầu lạnh", thiếu tá Prysyazhnyuk nói với tờ New York Times. "Đó là một công việc phức tạp, giống như một bác sĩ phẫu thuật, làm việc trong khi các vụ nổ rình rập xung quanh."

Chú thích ảnh
Các chiến thuật kiểu cũ như bẫy mìn đang làm khó quân đội của Kiev. Trong ảnh, công binh Ukraine đang xử lý một quả mìn chống tăng vào tháng 5/2023. Nguồn: Bộ Quốc phòng Ukraine

Một bác sĩ trong quân đội Ukraine nói với tờ báo rằng ông hay phải điều trị cho những người lính bị thương bởi mìn, hơn là bởi pháo binh.

Tướng Mark Kimmitt, một tướng Mỹ đã nghỉ hưu, đã gọi việc tìm cách vượt qua hàng phòng thủ của Nga giống như cố gắng vượt qua "20 km địa ngục", khi các binh sĩ buộc phải di chuyển qua các hào, bẫy chống tăng, bãi mìn và dây thép gai.

Oskar, chỉ huy một đơn vị công binh thuộc lữ đoàn 47 của Ukraine, nói rằng đội của ông đã nhận được xe tăng phá mìn Wisent của Đức trước thời điểm mở cuộc phản công ở Zaporizhzhia. Xe tăng này cùng các mẫu xe phá mìn tương tự từ thời Liên Xô trong kho vũ khí của Ukraine đã có những thành công trong giai đoạn đầu của cuộc phản công khi mở đường cho bộ binh tiến lên.

"Tuy nhiên, giờ đây chúng không còn hiệu quả. Kích cỡ to và tiếng ồn lớn khiến chúng dễ bị đối phương phát hiện và nhắm mục tiêu", Oskar nói.

Quân đội Nga không phải là bên duy nhất triển khai mìn sát thương trong cuộc xung đột ở Ukraine. Tờ Insider trước đó đưa tin, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) trong tháng này kêu gọi các quan chức Ukraine điều tra các báo cáo về việc sử dụng mìn bướm để chống lại binh lính Nga.

"Chính phủ Ukraine nên hành động theo cam kết đã đưa ra của mình là không sử dụng mìn sát thương bị cấm, điều tra việc quân đội của họ sử dụng những vũ khí này và buộc những người chịu trách nhiệm phải chịu trách nhiệm", báo cáo của HRW viết.

Nhóm này kêu gọi Ukraine điều tra việc sử dụng mìn sát thương PFM-1 xung quanh thành phố Izium, miền đông Ukraine trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9/2022. HWR cho biết họ có bằng chứng về 11 dân thường thương vong do mìn, trong đó có một trường hợp tử vong.

Mìn PFM-1 là vũ khí quân sự bị cấm theo Công ước cấm mìn năm 1997 mà Ukraine đã ký kết. Mìn PFM-1 bản thu nhỏ, còn được gọi là "mìn cánh bướm" hoặc "mìn cánh hoa", được bắn ra từ tên lửa và rải bừa bãi trên một khu vực rộng. Chúng chứa 37 gram chất nổ, đủ để ít nhất làm đứt một bàn chân - tờ Forbes đưa tin.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, Nga vẫn cung cấp lương thực cho Nam bán cầu
Đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, Nga vẫn cung cấp lương thực cho Nam bán cầu

Moskva đã đình chỉ Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen với cáo buộc phương Tây không thực hiện trách nhiệm theo thỏa thuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN