Trận chiến bánh mỳ tại Syria

Tại Syria, bánh mỳ giờ đây đang trở thành "phong vũ biểu" đối với sự chịu đựng của người dân nước này; khi mà những thực phẩm cơ bản nhất đang ngày càng trở nên khó kiếm, thậm chí quá đắt đỏ để mua.

Người dân Syria xếp hàng tại một cơ sở phân phối thực phẩm của Chương trình Lương thực Thế giới.


Theo một khảo sát mới đây của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC), chỉ trong hai năm khủng hoảng vừa qua, ở một số khu vực, giá bánh mỳ đã tăng tới 500%. Có tới 4 trong 5 người Syria khi được hỏi nói rằng nỗi lo lắng lớn nhất của họ giờ đây là lương thực. David Miliband, Chủ tịch IRC cảnh báo: "Những phát hiện này cho thấy tình trạng thiếu đói đang đe dọa đa số người dân Syria".


Trong rất nhiều khu vực giao tranh, tình trạng thiếu nhiên liệu, bột mỳ và điện khiến bánh mỳ là thứ gần như không thể tìm thấy. Tại những khu vực thuộc ngoại ô thủ đô Damascus hiện đang bị quân chính phủ bao vây, cũng như khu vực phía bắc bị phiến quân chiếm giữ, bánh mỳ là một biểu tượng của khó khăn.


"Chúng tôi chưa được ăn một mẩu bánh mỳ nào trong vòng 9 tháng qua", là lời mà rất nhiều người dân Syria trên đường di tản đã tâm sự.


Tại các tiệm bánh của chính phủ, giá một chiếc bánh mỳ không đổi trong vòng 20 năm qua. Một mẩu bánh dẹt truyền thống vẫn có giá 2 bảng Syria (khoảng 4 nghìn đồng)


Vào một ngày mùa đông lạnh buốt, nhiều người dân Syria đã đập ầm ầm vào cánh cửa sắt của một nhà máy sản xuất bánh lớn tại thủ đô Damascus, yêu cầu được mua thêm bánh mỳ. "Chúng tôi cần những chiếc bánh này để sống", một người đàn ông cho biết trong khi nắm chặt những chiếc túi chứa khoảng 3 kg bánh. Một người khác nói thêm: "ở những tiệm bánh tư nhân, chúng tôi phải trả gấp 10 lần như thế này".


Cách đó vài con phố, tại một địa điểm phân phối của chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cũng đang chật cứng người xếp hàng. Matthew Hollingworth, Giám đốc phụ trách cho biết "người dân Syria đang ăn ít dần, và chất lượng thực phẩm cũng đang giảm dần. Các sản phẩm ngũ cốc đã giảm 40%, và lượng nhập khẩu không bù nổi số lượng tiêu thụ".


Không chỉ có thực phẩm, người dân xếp hàng nhận khẩu phần lương thực hàng tháng cũng xin thêm chăn và quần áo ấm cho trẻ em. Những thứ này có bán tại các chợ ở Damascus, thế nhưng những người dân này - đã bị chiến tranh cướp mất nhà - không có tiền để mua nữa.


Nhiều người thậm chí đã phải di tản tới 3 lần trong năm qua để chạy trốn chiến tranh. Họ mất nhà, mất việc và nhiều hơn thế.


"Tôi thích được sống trong một cái lều trên mảnh đất trước đây đã từng là nhà mình, hơn là sống như thế này, chẳng có một chút nhân phẩm nào cả", Um Aymad rưng rưng nói trong khi đang xếp hàng để nhận phần thức ăn ít ỏi cho đứa con gái 16 tuổi và các cháu của mình.


Um Aymad chỉ là một mảnh đời buồn khổ trong số 6,3 triệu người Syria đã mất nhà cửa, và có tới gần một nửa dân số đang sống phụ thuộc vào viện trợ. Theo tổ chức Liên hợp quốc, hiện có hơn 2 triệu người Syria đang tìm cách tị nạn, với đủ lý do, tại các nước láng giềng.


Và, như Đặc phái viên về nhân đạo của Liên hợp quốc Valerie Amos nhận xét: "Đây là một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất thời hiện đại".


Lê Hoàng (theo BBC)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN