Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đặc biệt nhấn mạnh sự biến đổi khí hậu đối với nhân loại còn ghê gớm và đáng sợ hơn nhiều vũ khí hủy diệt hàng loạt. Thông điệp mà ông muốn chuyển tải còn là mong muốn các nước đang phát triển ở châu Á thực hiện cam kết giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính.Đây chính là đánh giá của ông Kerry, được đưa ra trong phát biểu trước các quan chức và sinh viên tại một Trung tâm văn hóa Mỹ ở Jakarta (Indonesia) hôm 16/2, khi ông đến thăm chính thức nước này hai ngày và đây là chặng dừng chân thứ ba của ông trong khuôn khổ chuyến công du châu Á lần này.
Trong phát biểu của mình, ông Kerry vẽ một bức tranh ảm đạm, về một tương lai sẽ đến cùng với những đói nghèo, hạn hán, lũ lụt và bão tố... gây tang tóc đau thương trên Trái Đất này. Và đó là hậu quả tất yếu của tình trạng nóng lên toàn cầu.
Ông John Kerry. Ảnh: Reuters |
Theo ông Kerry, Indonesia là một trong những quốc gia đứng đầu gây nên biến đổi khí hậu và cũng là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất, do đó nếu không thực hiện các biện pháp kiên quyết, chắc chắn sẽ phải gánh chịu những tổn thất lớn không chỉ về kinh tế.
Rõ ràng, sự gia tăng nhiệt độ của đại dương sẽ là một đòn giáng mạnh vào ngành đánh bắt và chế biến hải sản, sản lượng có thể giảm tới 40%. Ngoài ra, mực nước biển đến cuối thế kỷ này sẽ tăng khoảng một mét do tình trạng tan băng trên thế giới. Và lúc đó một nửa thành phố Jakarta sẽ chìm trong nước.
Có thể dự đoán được đến năm 2100, sẽ có hàng trăm triệu người trên thế giới này rơi vào "cảnh màn trời chiếu đất", bởi nhà cửa của họ đơn giản đã nằm dưới... đáy biển. Những trận bão khủng khiếp tương tự trận bão Haiyan đổ vào Philippines mới đây sẽ trở thành hiện tượng bình thường.
"Đóng góp" chính cho lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu thuộc về Mỹ và Trung Quốc, với khoảng 40% nguồn gây ô nhiễm không khí. Và mới đây, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia đứng đầu về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Indonesia đứng thứ ba thế giới trên phương diện này, mà nguyên nhân chủ yếu là do nạn phá rừng. Dân số nước này hiện vào khoảng 240 triệu người, điều đó cho thấy quốc gia này phụ thuộc nhiều hơn nữa vào các nhà máy nhiệt điện, và tỷ lệ thuận với nó là gia tăng lượng phát thải khí nhà kính do đốt than gây ra.
Tờ Độc lập (Nga) ngày 18/2 cho rằng ông Kerry đã nỗ lực hết sức nhằm kéo gần khoảng cách bất đồng từ nhiều năm qua giữa các nước phát triển và đang phát triển. Cụ thể ông Kerry muốn làm trung gian đàm phán tại Paris vào năm 2015 nhằm tìm kiếm một văn bản mới cho Nghị định thư Kyoto vốn sẽ hết hiệu lực vào năm 2020.
Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ chưa bao giờ phê chuẩn Nghị định thư Kyoto. Các nhóm môi trường đã lên án Tổng thống Barack Obama hầu như không có hành động gì để giảm lượng phát thải của Mỹ, chứ chưa nói gì việc chung tay cùng thế giới giải quyết vấn đề này.
Hồi năm ngoái, một bản phúc trình của Cơ quan khí hậu thuộc Liên Hợp Quốc đã kết luận với 97% nhà khoa học tán thành ý kiến chắc chắn rằng con người là "nguyên nhân chủ yếu" gây nên tình trạng ấm lên toàn cầu.
Tại Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã thể hiện rõ tâm nguyện "ngoại giao khí hậu". Cụ thể, Bắc Kinh và Washington đã nhất trí về kế hoạch triển khai các sáng kiến cải tiến công nghệ để giảm lượng khí thải ô tô, thu giữ và xử lý khí CO2, nâng cao hiệu quả năng lượng của các tòa nhà...
Việc hai "ông anh cả" về phát thải khí nhà kính bắt tay nhau, "tuyên thệ" cùng nhau đối phó với "kẻ thù" của khí hậu, được nhìn nhận là một tín hiệu tốt lành đối với nhân loại, có thể làm gương cho những quốc gia đang phát triển còn giữ quan điểm cứng rắn trong vấn đề phát thải khí nhà kính như Ấn Độ, Brazil, Indonesia...
Quế Anh (
P/v TTXVN tại LB Nga)