Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg tại cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) ngày 6/12. Ảnh: THX/TTXVN |
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã khẳng định như vậy ngày 30/12 khi trả lời phỏng vấn hãng thông tấn DPA của Đức.
Tổng Thư ký NATO Stoltenberg khẳng định: "Nga đã và vẫn sẽ tiếp tục là quốc gia 'láng giềng' của NATO và do vậy chúng tôi sẽ nỗ lực nhằm củng cố và ủng hộ quan hệ đối thoại với Nga, cũng như hướng tới mục tiêu chống chủ nghĩa bành trướng".
Trả lời câu hỏi Nga hay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là mối đe dọa lớn nhất của NATO trong năm 2017, ông Stoltenberg khẳng định không bao giờ có ý định so sánh Nga với IS. Theo ông, IS là một câu chuyện hoàn toàn khác và nhóm khủng bố này đã gây ra hàng loạt vụ tấn công khủng bố tại một loạt thủ đô các quốc gia thành viên NATO. Theo ông Stoltenberg, mục tiêu của NATO là đập tan IS và xóa sổ tổ chức này.
Hồi cuối tháng 11 vừa qua, Tổng Thư ký NATO cũng tuyên bố liên minh này không tìm kiếm sự đối đầu và vẫn để ngỏ các khả năng đối thoại với Nga nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Quan hệ giữa phương Tây - Nga nói chung và quan hệ NATO - Nga nói riêng, đã xuống tới mức thấp nhất sau Chiến tranh Lạnh do tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine, với đỉnh điểm là Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea. Việc NATO hủy bỏ các cuộc họp tham vấn của Hội đồng NATO-Nga đã “đóng băng” hợp tác giữa 2 bên từ tháng 6/2014.
Tuy nhiên, đến tháng 7 vừa qua, Hội đồng NATO-Nga đã họp trở lại nhưng hai bên không tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề như cuộc khủng hoảng tại Ukraine, minh bạch các hoạt động quân sự, hay tình hình an ninh tại Afghanistan. Từ đó đến nay, Hội đồng NATO - Nga đã có thêm hai cuộc họp nhưng vẫn tồn tại rất nhiều bất đồng, đặc biệt liên quan đến cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.