Tổng thư ký LHQ đưa ra kêu gọi trên trong báo cáo của ông gửi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ trước thềm cuộc họp định kỳ mỗi năm 2 lần về vấn đề Israel- Palestine dự kiến diễn ra ngày 24/6. Một số bộ trưởng các nước sẽ tham dự cuộc họp này theo đề nghị của Liên đoàn Arab (AL).
Trong báo cáo, ông Guterres bày tỏ hy vọng sẽ có những cuộc đàm phán mới để cuối cùng đạt được giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Israel-Palestine. Ông cũng cảnh báo việc Israel cố tình sáp nhập Bờ Tây đe dọa những nỗ lực để tiến tới hòa bình cho toàn bộ khu vực Trung Đông, vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Chính phủ Israel tuyên bố có thể xúc tiến sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây và Thung lũng Jordan kể từ ngày 1/7 tới. Kế hoạch sáp nhập này của Israel hiện được Mỹ hậu thuẫn nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Palestine và cộng đồng quốc tế.
Đại sứ Israel tại LHQ, ông Danny Danon ngày 23/6 tuyên bố bất kỳ quyết định nào liên quan chủ quyền sẽ chỉ do Chính phủ Israel quyết định.
Trong khi đó, Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye cùng ngày 23/6 khẳng định cộng đồng quốc tế nhất trí bác bỏ kế hoạch của Israel sáp nhập các vùng lãnh thổ thuộc Bờ Tây.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Thủ tướng Ishtaye đưa ra tuyên bố trên sau 2 cuộc gặp riêng rẽ tại thành phố Ramallah với Đại sứ phụ trách vấn đề Palestine đồng thời là Đại diện Nhật Bản tại Palestine, ông Masayuki Magoshi và Tổng lãnh sự Italy tại Jerusalem, ông Giuseppe Fedele.
Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Ishtaye nêu rõ: "Hiện nay chúng tôi nhận được sự đồng thuận của quốc tế bác bỏ kế hoạch sáp nhập của Israel, nhưng chúng tôi muốn cộng đồng quốc tế công nhận một Nhà nước Palestine, coi đó như một bước đi ưu tiên và áp đặt các biện pháp trừng phạt Israel nếu họ vẫn quyết tâm xúc tiến kế hoạch sáp nhập".
Ông Ishtaye nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế và các nghị quyết hợp pháp, đồng thời đánh giá cao vai trò của Nhật Bản trong việc ủng hộ giải pháp hai nhà nước và nhân dân Palestine. Đại diện Nhật Bản tại Palestine Magoshi cho rằng kế hoạch sáp nhập của Israel sẽ "hủy hoại cơ hội hòa bình”.
Trong cuộc chiến tranh 6 ngày với các nước Arab, Israel đã chiếm giữ Bờ Tây vào ngày 7/6/1967, bao gồm Đông Jerusalem, và kiểm soát vùng lãnh thổ này cho đến nay. Tòa án Công lý quốc tế sau đó đã ra phán quyết khu Bờ Tây là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Tuy nhiên, Chính phủ Israel coi Bờ Tây là "vùng tranh chấp".
Trong khuôn khổ các chính sách được chính quyền Tel Aviv thực thi liên quan hoạt động chiếm đóng, Israel đã xây dựng một loạt khu định cư trên khắp Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem. Cộng đồng quốc tế luôn coi đó là hành động bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Vấn đề này là một trong những trở ngại lớn khiến các cuộc hòa đàm giữa Palestine và Israel luôn rơi vào bế tắc.