Lĩnh vực đầu tiên mà Tổng thư ký LHQ đề cập là phục hồi sau đại dịch tại mỗi quốc gia. Phát biểu khai mạc phiên họp cấp bộ trưởng trong khuôn khổ Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững, ông Guterres nêu rõ cần đảm bảo quyền tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vaccine phòng COVID-19, các phương pháp điều trị và xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Đặc biệt, ông nhấn mạnh cần nghiêm túc nỗ lực tăng số lượng các quốc gia có thể sản xuất vaccine, nâng cao năng lực chẩn đoán và các công nghệ khác có giá trị trong tương lai.
Theo Tổng thư ký LHQ, các chính phủ cần phối hợp với ngành dược phẩm và các bên liên quan khác để cùng chia sẻ các loại giấy phép, cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, giúp nhiều quốc gia khác sản xuất vaccine và các sản phẩm y tế quan trọng khác. Bên cạnh đó, ông cũng nêu bật tầm quan trọng của việc củng cố hệ thống y tế, nhằm đảm bảo các đợt dịch trong tương lai được kiểm soát tốt hơn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng toàn diện.
Lĩnh vực thứ 2 là ứng phó với khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính. Ông Guterres cho rằng các mặt hàng lương thực của Ukraine, thực phẩm và phân bón do Nga sản xuất cần được đưa trở lại thị trường thế giới, bất chấp xung đột còn tiếp diễn. Tuy nhiên, ông khẳng định để tìm ra giải pháp cho các cuộc khủng hoảng hiện nay cần có giải pháp khắc phục tình trạng bất bình đẳng kinh tế ở các nước đang phát triển.
Cụ thể, ông Guterres cho rằng cần cung cấp nguồn lực và dư địa tài chính cho các quốc gia và cộng đồng, trong đó có các quốc gia thu nhập trung bình với khả năng tài chính thậm chí hạn chế hơn so 3 năm trước. Điều này đòi hỏi các tổ chức tài chính toàn cầu phải tận dụng tất cả các công cụ một cách linh hoạt”. Tổng thư ký LHQ cho rằng chính hệ thống tài chính toàn cầu đang không đáp ứng được nhu cầu của các nước đang phát triển và thế giới cần một hệ thống vận hành vì những cộng đồng dễ bị tổn thương.
Lĩnh vực thứ 3 là đầu tư về con người. Theo Tổng thư ký Guterres, đại dịch COVID-19 đã chỉ ra những tác động của tình trạng bất bình đẳng trong mỗi nước và giữa các quốc gia, khi chính những người dễ bị tổn thương nhất lại gặp nhiều khó khăn nhất trong bối cảnh khủng hoảng. Do đó, ông cho rằng đây là thời điểm phù hợp để ưu tiên đầu tư cho con người, xây dựng một quy ước xã hội mới dựa trên cơ sở bảo trợ xã hội toàn dân và cải tổ các hệ thống hỗ trợ xã hội được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Lĩnh vực thứ 4 mà Tổng thư ký LHQ muốn thúc đẩy là hành động vì khí hậu. Ông lưu ý rằng kết quả thành hay bại của những nỗ lực thực hiện mục tiêu kiềm chế mức nhiệt tăng toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp sẽ sớm được làm rõ trong thập kỷ này. Mặc dù để đạt được mục tiêu này, lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030 phải giảm 45% so với mức của năm 2010 nhưng các cam kết hiện tại sẽ dẫn đến việc lượng khí thải tăng 14% vào thời điểm đó.
Việc chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch thông qua cuộc cách mạng năng lượng tái tạo nên được coi là ưu tiên hàng đầu. Các quốc gia phát triển cần nỗ lực để triển khai cam kết hỗ trợ tài chính trị giá 100 tỷ USD, nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu một cách thật sự có ý nghĩa và mang lại thay đổi. Theo đó, các nền kinh tế đang phát triển phải được tiếp cận với nguồn lực và công nghệ cần có và các hệ thống cảnh báo sớm cần phải được lắp đặt ở các khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong vòng 5 năm tới.