Theo hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu ngày 6/7, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc đã làm trung gian cho thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen năm 2022, cho phép xuất khẩu ngũ cốc và các nông sản khác từ các cảng ở Biển Đen của Ukraine cho dù xung đột Ukraine - Nga đang diễn ra.
Nhưng do không hài lòng về một số vấn đề trong quá trình thực hiện thỏa thuận, Nga đã cảnh báo sẽ không cho phép gia hạn thêm thỏa thuận này sau ngày 17/7.
Hãng Anadolu cho biết các Tổng thống Zelensky và Erdogan sẽ tổ chức cuộc đàm phán trực tiếp và cũng tham dự các cuộc họp giữa cái phái đoàn.
Ông Erdogan đã tìm cách duy trì mối quan hệ mạnh mẽ với cả Ukraine và Nga từ khi xảy ra xung đột giữa hai nước. Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một thành viên NATO nhưng đã không tham gia cùng các đồng minh phương Tây trong áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga, nhưng cũng đã cung cấp vũ khí cho Ukraine và kêu gọi tôn trọng chủ quyền của nước này.
Về phần mình, người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov ngày 5/7 cho rằng hiện không có cơ sở để gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen vì phần thỏa thuận liên quan đến xuất khẩu của Nga không được thực hiện. Ông Peskov nhấn mạnh: "Cho đến nay, phần trong thỏa thuận đề cập đến các cam kết về xuất khẩu của Nga không được thực hiện. Do đó, hiện không có cơ sở để gia hạn thỏa thuận này". Quan chức trên cho biết Nga chưa chính thức thông báo về quyết định đối với thỏa thuận và sẽ đưa ra vào thời điểm thích hợp. Hiện vẫn còn thời gian để thực hiện phần thỏa thuận liên quan đến xuất khẩu của Nga.
Trong khuôn khổ sáng kiến ngũ cốc trên, Nga và Liên hợp quốc đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen. Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và theo lần gia hạn mới đây nhất vào ngày 18/5, thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7 tới. Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cho biết Nga đang xem xét rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen nếu những rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này không được khắc phục.
Trước đó, ngày 3/7, Tổng thống Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi gia hạn thỏa thuận này trong một cuộc điện đàm. Thông báo từ phía Đức nêu rõ hai nhà lãnh đạo kêu gọi gia hạn sau ngày 17/7 đối với thỏa thuận ngũ cốc được ký dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Ông Hebestreit lưu ý rằng thỏa thuận ngũ cốc đang giúp cải thiện tình hình lương thực toàn cầu.
Trong bối cảnh Nga cảnh báo không gia hạn thỏa thuận này, tờ Financial Times đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét về đề xuất của Ngân hàng Nông nghiệp Nga thành lập một công ty con nhằm kết nối lại với mạng lưới tài chính toàn cầu. Theo đó, EU sẽ cho phép công ty con của ngân hàng này xử lý các khoản thanh toán liên quan đến xuất khẩu ngũ cốc. Công ty này sẽ được phép sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, vốn đã ngắt kết nối với một số ngân hàng lớn của Nga sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra hồi tháng 2 năm ngoái.
Là hai trong số các nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, Nga và Ukraine đóng vai trò quan trọng trên thị trường ngũ cốc và hạt có dầu. Ngoài ra, Nga cũng là quốc gia chiếm ưu thế trên thị trường sản xuất phân bón.