Khả năng gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen phụ thuộc vào sự nhượng bộ của EU

Theo nhận định của thị trường, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sẽ khó có thể được gia hạn, trừ phi Nga có được sự nhượng bộ đáng kể. Việc nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực ngân hàng là cách nhanh chóng đáp ứng mong đợi của Nga.

Chú thích ảnh
Tàu chở ngũ cốc di chuyển dọc Eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo tờ Financial Times, Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc đề xuất thành lập một chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp Nga để tái kết nối nước này với hệ thống tài chính toàn cầu.

Trong lúc Ngân hàng Nông nghiệp Nga đang chịu trừng phạt, động thái trên nhằm bảo vệ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc.

Đề xuất của Nga sẽ cho phép chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp Nga xử lý các thanh toán liên quan đến xuất khẩu ngũ cốc. 

Chi nhánh mới sẽ được phép sử dụng hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT vốn đã đóng cửa với các ngân hàng lớn nhất của Nga kể từ sau khi nổ ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhằm góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vốn trầm trọng hơn sau khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine, một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Thỏa thuận này được gia hạn ba lần nhưng sẽ hết hạn vào cuối tháng 7/2023.

Ukraine đã xuất khẩu hơn 32 triệu tấn ngũ cốc, chủ yếu là ngô và lúa mỳ, theo thỏa thuận.

Ngày 3/7, Nga nhắc lại sự thiếu tin tưởng về triển vọng gia hạn thỏa thuận, do không đạt tiến triển trong việc thực thi các thỏa thuận đi kèm nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu của nước này.

Các thị trường ngũ cốc thế giới phiên 3/7 không phản ứng mạnh trước diễn biến trên, với giá ngũ cốc gần như không thay đổi. 

Tuần trước, Nga lên tiếng rằng nước này không có lý do để gia hạn thỏa thuận, dù khẳng định Nga sẽ tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc đến các nước nghèo.

Trong khi đó, phó phát ngôn viên của Liên hợp quốc, Farhan Haq, cho biết các quan chức LHQ đã làm việc với một số quốc gia, trong đó có các quốc gia châu Âu, nhằm tìm kiếm giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga.

Lê Minh (TTXVN)
'Số phận' bấp bênh của Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen
'Số phận' bấp bênh của Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen

Ngày 30/6, Nga cho biết nước này thấy không có lý do gì để gia hạn thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen sau ngày 17/7 vì phương Tây đã hành động một cách "thái quá" đối với thỏa thuận này, nhưng đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc của Nga sang các nước nghèo sẽ tiếp tục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN