Trong một tuyên bố, Văn phòng Tổng thống cho biết Tổng thống Saied đã giao cho ông Fakhfakh nhiệm vụ thành lập một chính phủ mới sớm nhất có thể. Ông Fakhfakh sẽ có thời gian một tháng để thành lập một chính phủ liên hiệp có thể giành được sự ủng hộ của đa số tối thiểu tại Quốc hội để được thông qua. Nếu không thành lập được chính phủ mới, Quốc hội Tunisia sẽ phải giải tán và nước này sẽ phải tiến hành một cuộc bầu cử nữa.
Trong cuộc bầu cử lập pháp ở Tunisia tháng 10/2019, đảng Ennahda giành được nhiều ghế nhất nhưng chỉ được 52 trong tổng số 217 ghế tại quốc hội, buộc đảng này phải liên minh với các đảng khác để thành lập chính phủ liên hiệp. Đảng Ennahda đã chỉ định ông Habib Jemli làm thủ tướng đứng ra thành lập chính phủ và ông Jemli đã đề xuất danh sách nội các mới.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng thương lượng, ngày 10/1 vừa qua, Quốc hội Tunisia đã bác bỏ danh sách nội các do ông Jemli đề xuất. Động thái này của Quốc hội là một thất bại lớn đối với đảng Ennadhda - đảng ôn hòa đã trực tiếp hoặc gián tiếp nắm quyền điều hành tại Tunisia trong 9 năm qua, đồng thời gây nguy cơ trì hoãn các nỗ lực cải cách để vực dậy kinh tế của quốc gia này.
Việc chỉ định cựu Bộ trưởng Tài chính Fakhfakh, 48 tuổi, cho thấy kinh tế là vấn đề ưu tiên đối với Tunisia sau một thập kỷ tăng trưởng thấp, nợ công cao và dịch vụ giảm sút kể sau làn sóng nổi dậy trong khu vực năm 2011. Là một kỹ sư và quản lý được đào tạo tại Pháp, ông Fakhfakh đã trở về quê hương năm 2006 sau một vài năm làm việc ở nước ngoài.
Ông chính thức bước vào chính trường sau cuộc chính biến năm 2011 và gia nhập đảng Ettakatol liên minh với đảng Ennahdha. Ông Fakhfakh giữ chức Bộ trưởng Du lịch năm 2011 trước khi trở thành người đứng đầu Bộ Tài chính từ tháng 12/2012 - 1/2014. Vị cựu Bộ trưởng Tài chính này đã tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2019, song chỉ giành được 0,34% số phiếu ủng hộ trong vòng 1.