Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời Tổng thống Mỹ: “Động thái quân sự là một lựa chọn. Nó có chắc chắn xảy ra không? Chẳng có gì là không thể tránh được cả”.
Tổng thống Mỹ thứ 45 Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Ông chủ Nhà Trắng nói thêm: “Tôi vẫn không ưu tiên con đường quân sự. Nếu chúng ta làm như vậy với Triều Tiên thì đó sẽ là một ngày rất buồn đối với họ”.
Trước đó, khi trao đổi với Hàn Quốc và Nhật Bản về hành động phóng tên lửa của Triều Tiên, ngày 29/8, Tổng thống Trump tuyên bố: “Mọi lựa chọn đã sẵn sàng”.
Mặc dù Tổng thống Trump cho biết hiện tại
không phải là thời điểm thích hợp để đàm phán với Triều Tiên thì các thành viên cấp cao trong chính quyền của ông bày tỏ rõ rằng cánh cửa cho giải pháp ngoại giao vẫn mở. Điều này đặc biệt được xét đến khi Mỹ đánh giá rằng bất cứ cuộc tấn công phủ đầu nào cũng gây ra đòn trả đũa từ Triều Tiên.
Trong khi Tổng thống Mỹ bày tỏ cứng rắn với Triều Tiên thì vào ngày 7/9, Trung Quốc đồng ý rằng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên có thêm động thái phản đối Bình Nhưỡng nhưng cần đẩy mạnh đối thoại.
Ngày 6/9, Mỹ bày tỏ hi vọng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày 11/9 bỏ phiếu về đề xuất của nước này áp đặt cấm vận dầu mỏ với Triều Tiên, ngăn chặn nước này xuất khẩu lao động và hàng may mặc đồng thời phong tỏa tài sản của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và áp đặt lệnh cấm đi lại với ông này.
Theo Reuters, việc
Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ sáu vào ngày 3/9 cùng nhiều vụ phóng tên lửa trước đó cho thấy nước này đang đến gần với mục tiêu phát triển một loại vũ khí có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Trong khi đó, tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) tổ chức ở Vladivostok, Nga từ ngày 6-7/9, đoàn đại biểu Triều Tiên khẳng định: “Chúng tôi sẽ đáp trả âm mưu man rợ quanh lệnh trừng phạt và áp lực từ Mỹ bằng những biện pháp mạnh mẽ”.
Trong một diễn biến khác, vào ngày 7/9, Mỹ đã hoàn tất triển khai thêm 4 bệ phóng của một hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc.