Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington, ngày 30/1. Ảnh: THX/TTXVN
“Tôi cảm thấy tự tin hơn nhiều, cuộc hội đàm diễn ra rất tốt đẹp”, ông nói với các phóng viên sau khi ký một số sắc lệnh hành pháp mới tại Mar-a-Lago, bang Florida.
Hôm 18/2, Nga và Mỹ đã tiến hành cuộc hội đàm tại Riyadh kéo dài 4,5 giờ. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao Mỹ và Nga kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022.
Phái đoàn Nga tham gia hội đàm bao gồm Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Trợ lý tổng thống Yury Ushakov và Giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev.
Đại diện phía Mỹ có Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên về Trung Đông Steve Witkoff.
Theo ông Ushakov, hai bên đã thảo luận rất kỹ về mọi vấn đề trong chương trình nghị sự, bao gồm cả việc đưa lập trường của Nga và Mỹ lại với nhau và các cuộc tiếp xúc về Ukraine.
Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh cuộc hội đàm với các quan chức Mỹ rất mang tính xây dựng và cho biết hai bên đã cam kết bổ nhiệm đại sứ tại mỗi nước trong thời gian sớm nhất. Trong thời gian Chính quyền Tổng thống Joe Biden nắm quyền, cả hai nước đã trục xuất một số lượng lớn nhân viên ngoại giao của nhau, khiến quan hệ giữa Moskva và Washington bị gián đoạn.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud (thứ 4, trái), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải), Cố vấn của Tổng thống Nga về chính sách đối ngoại Yuri Ushakov (thứ 2, phải), Ngoại trưởng Mỹ Marco Antonio Rubio (thứ 2, trái), Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz (thứ 3, trái) và Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff (trái) tại cuộc đàm phán ở Riyadh, Saudi Arabia, ngày 18/2/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lưu ý Ngoại trưởng Lavrov và người đồng cấp Rubio đã nhất trí thành lập các nhóm đàm phán về Ukraine cũng như về hợp tác trong tương lai về các lợi ích địa chính trị chung.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, Washington và Moskva đã đồng ý thiết lập cơ chế tham vấn nhằm giải quyết những trở ngại trong quan hệ song phương với mục tiêu bình thường hóa hoạt động của các phái đoàn ngoại giao hai nước. Hai bên cũng nhất trí chỉ định các nhóm cấp cao để bắt đầu làm việc nhằm chấm dứt xung đột Ukraine một cách bền vững và được tất cả các bên chấp nhận.
Ngoài ra, hai nước sẽ đặt nền móng cho sự hợp tác trong tương lai về các vấn đề địa chính trị cùng quan tâm, cũng như các cơ hội kinh tế và đầu tư khi xung đột tại Ukraine kết thúc. Đây được xem là những tín hiệu tích cực cho thấy hai cường quốc đang nỗ lực vượt qua những trở ngại, hướng tới một mối quan hệ ổn định và xây dựng hơn trong tương lai.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Mar-a-Lago, Tổng thống Trump cũng đã để ngỏ khả năng sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin trước cuối tháng này.
Hồi tuần trước, hai nhà lãnh đạo cũng đã có cuộc điện đàm kéo dài gần 90 phút, trong đó ông Putin mời ông Trump đến thăm Moskva. Cả hai nhất trí tổ chức một cuộc gặp tại một quốc gia thứ ba.
Theo giới phân tích, đây chỉ là những bước đi ban đầu và còn quá sớm để khẳng định về một sự “tan băng” hoàn toàn trong quan hệ Nga - Mỹ. Vẫn còn nhiều thách thức và bất đồng sâu sắc giữa hai bên, đặc biệt là về vấn đề Ukraine. Mặc dù vậy, những dấu hiệu tích cực gần đây cũng mang lại hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho quan hệ Nga - Mỹ, đồng thời mở ra cơ hội để các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine.