Tổng thống Trump có nói quá về thỏa thuận 'đình chiến' thương mại với Trung Quốc?

Sự xác nhận của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thỏa thuận Mỹ-Trung tạm dừng leo thang thuế quan dường như không khớp với tuyên bố chính thức của Nhà Trắng về thỏa thuận.

Chú thích ảnh
Hai phái đoàn cấp cao Trung - Mỹ gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Argentina. Ảnh: AFP

Sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) ở Argentina, bày tỏ trên tài khoản Twitter cá nhân cuối tuần qua, nhà lãnh đạo Mỹ miêu tả thỏa thuận đình chiến với Bắc Kinh là "một trong những thỏa thuận lớn nhất từng đạt được". Ông cho biết Chính phủ Trung Quốc cam kết "mở cửa" và "loại bỏ thuế quan".

Tuy nhiên, tuyên bố của Nhà Trắng dường như không khớp với xác nhận của nhà lãnh đạo Trump về việc Trung Quốc chấm dứt đánh thuế. Thay vào đó, Nhà Trắng chỉ đề cập đến một thỏa thuận tạm thời không áp đặt thêm bất kỳ vòng thuế nào khác. Và điều đó cho thấy ít có dấu hiệu về một Trung Quốc "cởi mở hơn".

Trong một tuyên bố, Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết Bắc Kinh nhất trí mua "số lượng đáng kể nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp và các sản phẩm khác” nhằm “giảm sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước".

Trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, hai quốc gia đã nhất trí không áp thuế bổ sung đối với hàng hóa của nhau trong 90 ngày tới. Trong thời gian này họ sẽ cố gắng vượt qua những khác biệt bao gồm "chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, không hàng rào thuế quan, tấn công mạng và trộm cắp trên mạng”. Về tuyên bố của Tổng thống Trump, hiện Nhà Trắng chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào.

Giới chuyên gia thường xuyên theo dõi chính trị đã nhanh chóng nhận thấy sự tương phản giữa những tuyên bố có phần “quá lời” của cá nhân Tổng thống Trump và tuyên bố chính thức của Nhà Trắng.

Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Mintaro Oba làm việc dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama cho rằng, bình luận của ông Trump “thể hiện ưu tiên số một rằng ông là một nhà thương thuyết tuyệt vời. Ông ấy không quan trọng các chi tiết, miễn sao ông ấy mạnh mẽ trước những người ủng hộ. Với bất kỳ điều gì liên quan tới ông ấy, đặc biệt là các thỏa thuận, mọi việc không chỉ tốt mà phải tốt nhất”.

Hiện Tổng thống Trump đang phải chịu áp lực từ các doanh nghiệp Mỹ trong việc giải quyết cuộc chiến thương mại. Hồi tháng 9, các công ty Mỹ ở Trung Quốc cho biết họ đã bị tổn thất sau vòng đánh thuế ban đầu lên 50 tỷ USD hàng hóa.

Theo David Adelman - cựu đại sứ Mỹ tại Singapore đồng thời là giáo sư trợ giảng tại Đại học New York - khiếu nại từ các tập đoàn Mỹ cũng như thất bại của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ có thể gây sức ép đối với ông chủ Nhà Trắng. "Tổng thống có vẻ háo hức trước một thỏa thuận", ông Adelman lý giải.

Trong khi tin tức về “đình chiến” thương mại được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, vẫn xuất hiện hoài nghi liệu Washington và Bắc Kinh cuối cùng có thể đạt được một giải pháp dẫn tới việc giảm thuế từ mức hiện tại hay không.

"Trái với lời hoan nghênh từ phía Tổng thống Trump, kết quả của các cuộc đàm phán ở Buenos Aires là tích cực, nhưng không mang tính đột phá", ông Adelman nhận định.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục tác động tới châu Á
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục tác động tới châu Á

Ngày 3/12, tổ chức đánh giá tín dụng toàn cầu Moody's cho rằng việc Mỹ và Trung Quốc tạm ngừng cuộc chiến thương mại có thể giúp làm giảm căng thẳng quan hệ hai nước, nhưng hậu quả của nó vẫn còn tiếp tục và có thể ảnh hưởng tới các quốc gia châu Á chủ chốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN