Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc đối thoại trực tuyến qua truyền hình với người dân ngày 14/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trưa 14/4 (theo giờ Nga), tại Cung điện Gostinyi Dvor ở thủ đô Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc giao lưu trực tuyến lần thứ 14 với người dân Nga. Trong cuộc giao lưu kéo dài 3 giờ rưỡi, Tổng thống Putin đã trả lời 80 câu hỏi trong số 2,5 triệu câu hỏi được gửi đến ông. Chủ đề chính của cuộc giao lưu trực tuyến trong năm này là tình hình kinh tế đất nước cũng như các vấn đề an sinh xã hội và đời sống thường nhật.
Ngay từ đầu, Tổng thống Putin đã phải giải đáp những câu hỏi hóc búa, đó là tình trạng đường xá xuống cấp, lạm phát thực tế ở mức cao, hay thực trạng nền kinh tế Nga là "sáng sủa" hay "tối tăm".
Theo Tổng thống Putin, cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn chưa thể giải quyết, song đã xuất hiện các dấu hiệu tích cực. Ông cho biết kinh tế Nga năm 2016 sẽ tiếp tục suy thoái, song năm 2017, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng 1,4%. Đương nhiên, theo ông, thật khó khi cảm nhận đáy khủng hoảng kinh tế, người dân Nga thực sự đang đối mặt với nhiều khó khăn khi thu nhập và lương thực tế đều giảm. Tuy nhiên, Tổng thống Nga cho biết dự trữ ngoại tệ của Nga đã quay trở về mức đầu năm 2014, khoảng 387 tỷ USD, đủ chi tiêu trong 4 năm. Và để phát triển kinh tế, điều quan trọng là đảm bảo dòng vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả cũng như tăng thu nhập cho người dân để trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất. Chính phủ sẽ nỗ lực không in thêm tiền, thay đổi cơ cấu nền kinh tế. Ông cũng cho biết tháng 2 đã có thay đổi tích cực khi xuất khẩu sản phẩm tăng so với xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên.
Đề cập tới vấn đề Syria, Tổng thống Putin cảnh báo nếu không đấu tranh chống khủng bố, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể phục hồi trở lại. Tuy Nga rút các đơn vị chủ chốt khỏi Syria song quân đội của nước này vẫn đủ mạnh và đã chiếm lại nhiều thành phố then chốt. Nhà lãnh đạo Nga cũng bày tỏ hy vọng cuộc khủng hoảng Syria sẽ được giải quyết bằng một tiến trình hòa bình thay vì vũ lực. Ông nhấn mạnh: Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết để cải thiện tình hình ở đó".
Đề cập tới quan hệ của Nga với các nước láng giềng Ukraine, Moldova, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin cho rằng Nga không nằm trong một "vành đai thù địch". Tổng thống Putin xem Thổ Nhĩ Kỳ là nước bè bạn, người dân Thổ Nhĩ Kỳ thân thiện, nhưng "có vấn đề" với một số chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cho rằng lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không đấu tranh với lực lượng cực đoan mà hợp tác với chúng.
Liên quan đến câu hỏi khi nào Nga sẽ nối lại các chuyến bay tới Ai Cập và các tour du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Putin cho biết hiện cả hai quốc gia này vẫn trong tình trạng bất ổn và nguy hiểm đối với công dân Nga do đó không thể hứa hẹn điều gì. Ông nhấn mạnh: “Chẳng có gì đảm bảo rằng du khách Nga sẽ an toàn khi tới đây. Chúng tôi vẫn phải cảnh báo công dân của mình rằng tới đó rất nguy hiểm”.
Đề cập tới tình hình tại miền Đông Ukraine, Tổng thống Putin cho rằng thực thi các thỏa thuận Minsk là cách giải quyết duy nhất. Ông cho rằng nguyên nhân xung đột là do chính quyền Kiev chưa thông qua qui chế đặc biệt cho vùng Donbass. Ông đề nghị phương Tây tích cực hơn trong việc yêu cầu Kiev thực thi thỏa thuận Minsk chứ không phải "lặp đi lặp lại" việc cáo buộc Moskva. Ông cho biết Nga muốn một nước Ukraine ổn định và thịnh vượng, và rõ ràng cuộc khủng hoảng tại Ukraine là do lãnh đạo không quan tâm tới dân chúng.
Về quan hệ với Mỹ, Tổng thống Putin cũng cho rằng Nga đã hợp tác tốt với Mỹ trong nhiều vấn đề như cuộc chiến chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, vấn đề hạt nhân Iran, vũ khí hóa học ở Syria. Ông đề nghị Mỹ trong quan hệ với Nga không hành động trên quan điểm sức mạnh và tham vọng đế quốc.
Đề cập tới "Hồ sơ Panama", Tổng thống Putin cho rằng những thông tin thiếu cắn cứ về những tài khoản ở nước ngoài tại Panama là “hành động khiêu khích”. Nhà lãnh đạo nước Nga cũng cho rằng chính giới chức Mỹ đứng đằng sau vụ rò rỉ thông tin này và các thông tin truyền thông được đưa ra nhằm gieo những hoài nghi về các cá nhân.
Đề cập tới xung đột tại Nagorny Karabakh, Tổng thống Putin cảnh báo rằng đây là vấn đề rất nhạy cảm, và điều quan trong là không để tình hình xấu đi. Vấn đề này chỉ có thể giải quyết bằng một giải pháp chính trị, thông quan thỏa hiệp. Theo ông, Nga quan tâm đến vấn đề Nagorny Karabakh bởi nước này có quan hệ thân thiện với cả Armenia và Azerbaijan.
Theo Tổng thống Putin, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria, danh mục đơn đặt mua vũ khí Nga đã tăng mạnh, Nga hiện chiếm vị trí thứ 2 "vững chắc" trên thị trường vũ khí. Năm 2015, doanh thu bán vũ khí của Nga đạt 14,5 tỷ USD, và danh mục đơn hàng trong những năm tới lên tới 50 tỷ USD. Tổng thống Putin cũng khẳng định Nga sẽ không cắt giảm việc mua sắm vũ khí cho quân đội.
Cuộc giao lưu trực tuyến của Tổng thống Putin năm nay diễn ra vào thời điểm nước Nga đang đứng trước cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện), và trong bối cảnh nền kinh tế Nga chưa thể cất cánh khi Nga vẫn chịu tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây cùng giá dầu ở mức thấp tác động nặng nề tới thu nhập của người dân Nga.
Cuộc giao lưu trực tuyến dài kỷ lục của Tổng thống Putin diễn ra năm 2013 với thời gian 4 giờ 48 phút. Năm ngoái, ông đã trả lời 74 câu trong số hơn 3 triệu câu hỏi. Cuộc đối thoại kéo dài 3 giờ 55 phút, và chương trình phát trên truyền hình năm ngoái có lượng người xem kỷ lục là 8,4 triệu người.