Trước và sau khi nhậm chức Tổng thống Ukraine, ông Petro Poroshenko đã hứa hẹn rất nhiều. Thế nhưng, nhiều điều trong số đó chưa thành sự thực. 1. Chiến dịch chống khủng bố (ATO): Ông Poroshenko từng rất tự tin khi nói rằng, “Chiến dịch chống khủng bố không thể kéo dài một, hai tháng. ATO chỉ có thể diễn ra trong vài tiếng… Chúng ta hãy xem trong thời gian gần nhất tới đây về hiệu quả của chiến dịch này”. Trong thực tế, ATO hiện đã bước sang tháng thứ 8.
2. Tiền lương cho binh sĩ: “Sẽ không có chuyện triệu hồi binh sĩ ra tiền tuyến. Tất cả là tình nguyện Họ sẽ nhận được 1.000 hryvnia (UAH) mỗi ngày”, người đứng đầu Ukraine tuyên bố. Thực tế thì sao? Chính Thứ trưởng quốc phòng nước này thừa nhận, “mức chi trả cho binh sĩ tham gia chiến dịch chống khủng bố trung bình chỉ vào khoảng 5.700 UAH, tùy theo từng cấp bậc”.
Ông Poroshenko tại lễ nhậm chức hôm 7/6/2014. Ảnh: AP |
3. Donbass: “Chúng tôi sẽ không bỏ các bạn”, ông Poroshenko nói với người dân thuộc vùng Luhansk và Donbass tại lễ nhậm chức. Thế nhưng, chính những công dân tại các khu vực này sẽ không còn nhận được khoản trợ cấp xã hội, kể cả lương hưu, từ ngày 1/12 tới.
4. Tập đoàn Roshen: “Liên quan đến việc kinh doanh của tôi, ngay sau lễ nhậm chức này, Roshen sẽ ký một hợp đồng với một công ty đầu tư để tìm kiếm người mua”. 5 tháng trôi qua, tập đoàn do ông Porsohenko làm chủ vẫn chưa hề được chuyển giao cho ai, không có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ bán hết tài sản kinh doanh để đảm bảo sự liêm trực của bản thân khi nắm chức vụ cao nhất ở đất nước như đã cam kết.
5. Bầu cử: Trong chiến dịch tranh cử hồi mùa xuân, ông Porsohenko từng hứa sẽ “nỗ lực hết sức trong khuôn khổ quyền lực hiến pháp để thúc đẩy bầu cử quốc hội sớm vào cuối năm 2014 dựa trên mô hình đại diện và danh sách mở”. Thực tế, cuộc bầu cử hôm 26/10 vừa qua vẫn theo mô thức cũ.
6. Quân ly khai: “Đó là những kẻ sát nhân, khủng bố. Đây là thực tế. Và nếu các bạn mong chờ tôi tìm kiếm sự ủng hộ từ đám người này thì sẽ không bao giờ có. Một quốc gia văn minh trên thế giới sẽ không hợp tác với quân khủng bố”, ông Porsohenko phát biểu trước thời điểm tranh cử Tổng thống khi được hỏi về khả năng tiếp xúc, đàm phán với phe ly khai tại nước Cộng hòa Donetsk (DNR) và Luhansk (LNR) tự xưng. Cuộc gặp đầu tiên giữa chính quyền Kiev với “quân khủng bố” đã được tổ chức hôm 27/6, ít ngày sau khi ông Poroshenko nhậm chức. Đến hôm 5/9, đại diện của Nga, Ukraine và thủ lĩnh ly khai miền Đông đã cùng ký vào thỏa thuận ngừng bắn, được ông Porosenko gọi là “kế hoạch hòa bình”.
7. Phân quyền: “Trách nhiệm và việc phát triển tại các vùng này (sẽ được) trao cho các cộng đồng lãnh thổ và hội đồng địa phương – những thực thể sẽ được lập ra qua bầu cử, với quyền lực mới”, nhà lãnh đạo Ukraine nói về việc phân quyền cho các khu vực. Ông cũng từng chuyển đề xuất này tới Quốc hội. Nhưng từ đó đến nay, chưa có thêm bất kì một bước đi thực tế nào.
8. Đối lập: “Dự án luật đầu tiên được trình quốc hội sẽ là luật về đối lập”- ông Porosenko tuyên bố trong chương trình tranh cử. Thế nhưng, chưa có bất kì một dự luật nào như thế được đưa ra xem xét tại Quốc hội.
9.Maidan: “Nhiệm vụ chính của tân Tổng công tố Vitaly Yarema là kết thúc điều tra việc bắn người biểu tình hồi tháng hai trong sự kiện Maidan”, Tổng thống Ukraine phát biểu trước các nhà hoạt động Maidan hồi giữa tháng 6 vừa qua. Kể từ đó, tiến trình này chẳng có bước tiến mới nào, đến mức chính ông Porsohenko phải thừa nhận rằng “Tôi không hài lòng với tiến độ điều tra”.
10.Chế độ miễn thị thực với châu Âu: “Từ 1/1/2015 các công dân Ukraine có thể đi du lịch khắp châu Âu mà không cần visa”, ông Porosenko phát biểu trước công chúng vào hôm 7/6. Thế nhưng, điều này còn lâu mới thành sự thật, khi mà Liên minh châu Âu (EU) vẫn tỏ ra “nghi ngại” về cơ chế miễn thị thực này.
Hoài Thanh (
Theo Euromaidanpress)