Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Văn phòng Tổng thống Pháp, ông Macron đã có bài phát biểu quan trọng trước các nhà lãnh đạo của 19 quốc gia, bao gồm Canada tại cuộc họp ngày 19/2 nhằm tiếp tục kêu gọi một phản ứng chung đến từ các lãnh đạo chủ chốt của châu Âu trước những động thái xoay trục rõ ràng của Washington sang Moskva.
Ông Macron cho rằng Nga gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với châu Âu và cảnh báo về điều tồi tệ nhất có thể xảy ra.
Thời gian qua, Pháp được xem là một trong những nước phương Tây ủng hộ mạnh mẽ Ukraine kể từ khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.
Phát biểu trên của Tổng thống Pháp được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang có những thay đổi chính sách trong giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukrraine.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến Liên minh châu Âu (EU) sửng sốt khi tuyên bố sẵn sàng nối lại đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau ba năm chiến sự tại Ukraine. Động thái này làm dấy lên lo ngại về việc Washington có thể thảo luận về tương lai của Ukraine mà không cần tham vấn châu Âu hay chính Kiev.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang phải ráo riết phối hợp hành động sau khi chính quyền của Tổng thống Trump tiến hành các bước đi riêng với Nga trong việc tăng cường quan hệ song phương và giải quyết xung đột tại Ukraine thông qua cuộc điện đàm giữa ông Trump và người đồng cấp Nga hôm 12/2 và cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa ngoại trưởng hai nước tại Saudi Arabia ngày 18/2. Nhiều nhà lãnh đạo ở châu Âu lo ngại sẽ bị "gạt ra ngoài lề" trong tiến trình hòa đàm về xung đột tại Ukraine, đồng thời cảnh báo sẽ không chấp nhận bất cứ kết quả đàm phán nào nếu không có sự tham gia và/hoặc chấp nhận của châu Âu cũng như Ukraine.
Trong một động thái nhằm tiếp tục duy trì áp lực lên Moskva, vào ngày 19/2, các nước EU đã nhất trí áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Quyết định về gói trừng phạt thứ 16 được các đại sứ đạt được vào ngày 19/2, trước chuyến thăm chung của Đoàn chủ tịch Ủy ban châu Âu tới Kiev nhằm đánh dấu ba năm xung đột. Dự kiến, các biện pháp này sẽ được chính thức thông qua vào ngày 24/2 tới khi các Ngoại trưởng EU gặp nhau tại Brussels (Bỉ).
Về phía Nga, vào ngày 19/2, Tổng thống Vladimir Putin đã chia sẻ quan điểm của mình về các cuộc đàm phán cấp cao Nga-Mỹ diễn ra hôm 18/2 tại Riyadh, Saudi Arabia. Ông Putin mô tả các cuộc thảo luận là "bước đầu tiên" hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa Moskva và Washington. Ông bày tỏ hy vọng rằng quá trình này sẽ mở đường cho sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm kiểm soát vũ khí, thám hiểm không gian và năng lượng.
Ông nhấn mạnh rằng việc xây dựng lại lòng tin giữa Nga và Mỹ là điều cần thiết để giải quyết một số vấn đề cấp bách, bao gồm giải quyết xung đột Ukraine.
Tổng thống Putin cũng chỉ trích phản ứng từ EU và Kiev khi gọi đó là không phù hợp và hoàn toàn vô căn cứ. Ông nhấn mạnh rằng mục tiêu chính hiện nay khôi phục quan hệ Mỹ-Nga, đồng thời nói thêm rằng hai nước không cần bất kỳ bên trung gian nào để giải quyết bất đồng.
"Nga chưa bao giờ từ chối liên lạc với các quốc gia EU hoặc rút khỏi các cuộc đàm phán với Ukraine", nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh thêm và đồng thời cho biết Moskva sẵn sàng quay trở lại tiến trình hòa bình bất cứ lúc nào, nhưng quyết định cuối cùng nằm ở Kiev và Brussels.