Người dân Pháp tham gia biểu tình phản đối luật lao động tại thủ đô Paris, Pháp ngày 23/6/2016. Ảnh: EPA/TTXVN |
Ông Macron đã ký phê chuẩn đạo luật trên trong một buổi lễ được phát trực tiếp trên truyền hình. Theo đó, những thay đổi trong bộ luật lao động sẽ có hiệu lực từ ngày 25/9.
Trước đó, Chính phủ Pháp đã nhanh chóng ban hành 5 sắc lệnh liên quan tới cải cách luật lao động nhằm tránh xảy ra các cuộc biểu tình kéo dài trên các tuyến phố. Nội dung cải cách giúp các chủ doanh nghiệp linh hoạt hơn khi đàm phán lương và điều kiện làm việc với người lao động, trong khi giảm chi phí cho người sử dụng lao động trong việc sa thải nhân công.
Đây là một trong những kế hoạch cải tổ sâu rộng nhằm tự do hóa nền kinh tế mà Tổng thống Pháp Macron theo đuổi nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đảo chiều tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 9,5%, gần gấp 2 lần so với các nước là đối thủ cạnh tranh của Pháp ở châu Âu. Những biện pháp này được cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác của Pháp tích cực hoan nghênh, song vấp phải sự phản đối của các tổ chức công đoàn và người lao động Pháp.
Trước đó ngày 21/5, khoảng 132.000 người đã xuống đường biểu tình trên khắp nước Pháp nhằm phản đối kế hoạch cải cách lao động. Con số trên chỉ bằng một nửa so với số người hồi tuần trước tham gia cuộc biểu tình quy mô lớn đầu tiên do các tổ chức công đoàn tổ chức kể từ khi ông Macron nhậm chức tháng 5 vừa qua.
Kế hoạch cải cách lao động cũng gây chia rẽ trong số người dân Pháp. Theo một cuộc thăm dò gần đây do hãng BVA tiến hành, đa số người được hỏi cho rằng những cải cách này sẽ giúp nước này tăng tính cạnh tranh trên thị trường lao động, nhưng khó cải thiện được các điều kiện làm việc của người lao động.