Theo Tổng thống Macron, đối với ông, ưu tiên trong vấn đề Ukraine và đối thoại với Nga là giảm leo thang và tìm kiếm giải pháp chính trị để giải quyết bất đồng. Ông nhấn mạnh châu Âu sẽ không đạt được ổn định và trật tự nếu các nước khu vực không tìm ra giải pháp chung với các nước láng giềng, trong đó có Nga.
Trong những năm qua, Tổng thống Macron luôn duy trì quan điểm rằng các nước châu Âu nên duy trì các kênh đối thoại mở với Nga và khẳng định "đối thoại có điều kiện" sẽ chỉ dẫn tới một cuộc đối đầu với Moskva trong một thế giới thay đổi nhanh chóng như hiện nay.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Macron, trong đó hai bên cam kết phối hợp phản ứng với Nga liên quan vấn đề Ukraine.
Theo Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm diễn ra ngay sau khi Tổng thống Macron tuyên bố ông có thể công du Nga nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, nhà lãnh đạo Pháp và Tổng thống Biden cho biết hai bên nhất trí các nhóm chuyên trách của hai nước sẽ liên lạc chặt chẽ, bao gồm cả trong khuôn khổ tham vấn với các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU), về cách tiếp cận phối hợp và toàn diện nhằm giải quyết những vấn đề này.
Cùng ngày, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã kêu gọi một giải pháp hòa bình cho căng thẳng giữa Nga và Ukraine hiện nay, đồng thời lưu ý rằng cuộc khủng hoảng này đang khiến giá năng lượng tăng cao và cản đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Phát biểu tại một sự kiện do tờ The Washington Post tổ chức, bà Georgieva nhấn mạnh vào thời điểm tăng trưởng kinh tế thiếu ổn định, căng thẳng địa chính trị sẽ chỉ khiến tình hình tại Ukraine phức tạp và tác động đến giá năng lượng toàn cầu.