Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ trở thành cầu nối cho đàm phán giữa Nga và Ukraine?

Hiện nay, Tổng thống Emmanuel Macron là một trong số vài nhà lãnh đạo phương Tây vẫn duy trì liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát đến nay, ông cũng giữ liên lạc thường xuyên với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskyy

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Kiev tháng 6/2022. Ảnh: AP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ dành mọi nỗ lực để hỗ trợ Ukraine, trong đó bao gồm việc tổ chức một hội nghị quốc tế ngày 13/12 để góp phần giúp quốc gia Đông Âu vượt qua mùa Đông.

Hội nghị các nhà hảo tâm quốc tế ngày 13/12 tại Paris hướng đến cung cấp cho Kiev hỗ trợ tức thì, bao gồm cả tài chính và các thiết bị.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát trong tháng 2 đến nay, Tổng thống Pháp Macron đã giữ liên lạc thường xuyên với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết, về dài hạn, ông Macron tin rằng cần đối thoại với Nga để tìm ra một con đường đến hòa bình.

Ngày 11/12, Tổng thống Pháp Macron điện đàm với đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskyy để chuẩn bị cho hội nghị tại Paris. Sự kiện tại Paris sẽ tập hợp lãnh đạo của hàng chục quốc gia và tập trung vào những nhu cầu cấp thiết của Ukraine như điện, nước, sưởi ấm.

Ông Macron còn dành nhiều thời lượng để trao đổi với Tổng thống Mỹ về tình hình Ukraine trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ gần đây. Nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ ủng hộ với hội nghị tại Paris.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy (trái) cùng người đồng cấp Pháp tại Kiev tháng 6/2022. Ảnh: AP

Trong những tháng gần đây, Tổng thống Macron phải đối mặt với chỉ trích từ Ukraine và một số quốc gia châu Âu cho rằng ông chưa giữ được khoảng cách phù hợp với Điện Kremlin. Tổng thống Macron là một trong số vài nhà lãnh đạo phương Tây vẫn duy trì liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Macron nhiều lần cho biết sẽ đối thoại với Tổng thống Putin khi cần thiết để tránh leo thang xung đột. Gần đây, ông Macron nói sẽ sớm trao đổi với nhà lãnh đạo Nga về an ninh của các nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine. Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh cần có đàm phán với Nga và điều khoản của bất kỳ đối thoại nào cũng sẽ do chính Ukraine quyết định.

Trong tháng 10, Tổng thống Macron ra mắt Cộng đồng chính trị châu Âu, diễn đàn mới hướng đến việc đẩy mạnh an ninh và thịnh vượng khắp “Lục địa già”, kết nối các thành viên của EU, những đối tác tại vùng Balkan và Đông Âu cùng Anh và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nửa đầu năm nay, Pháp giữ vai trò chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU). Nhà lãnh đạo Pháp chủ yếu tập trung vào nỗ lực đẩy mạnh năng lực quốc phòng EU. Pháp đã hỗ trợ tài chính, quân sự và nhân đạo cho Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát trong tháng 2.

Kể từ khi trở thành Tổng thống Pháp năm 2017, ông Macron đã tìm cách đóng vai trò quan trọng trong ngoại giao toàn cầu. Vào tháng 4 năm nay, ông Macron tái đắc cử, điều này tạo thêm điều kiện cho nỗ lực của ông Macron.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo AP)
Tín hiệu từ loạt điện đàm của Tổng thống Ukraine với đồng cấp phía Mỹ, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ
Tín hiệu từ loạt điện đàm của Tổng thống Ukraine với đồng cấp phía Mỹ, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ

Chỉ trong một ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã điện đàm với cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN