Tổng thống Mỹ tiếp tục phủ nhận gây sức ép đối với người đồng cấp Ukraine

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/9 vẫn tiếp tục khẳng định, ông không gây “bất cứ sức ép nào” đối với Ukraine.

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Nhà Trắng vừa công bố một bản ghi cuộc đàm thoại xác nhận rằng ông đã yêu cầu Kiev điều tra đối thủ chính trị Joe Biden của đảng Dân chủ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trước báo giới bên lề kỳ họp lần thứ 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Trump nhắc lại rằng ông “đã không có bất kỳ sức ép nào” đối với Ukraine, đồng thời lên án điều mà ông gọi là “cuộc săn lùng phù thủy lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”.

Cùng ngày, Nhà Trắng đã công bố bản ghi cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hồi tháng 7 vừa qua, khẳng định ông Trump đã đề nghị ông Zelenskiy điều tra đối thủ chính trị của mình là cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Động thái trên diễn ra một ngày sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi xúc tiến một tiến trình luận tội Tổng thống và chỉ thị 6 ủy ban xúc tiến điều tra các hành động của Tổng thống.

Phe Dân chủ cáo buộc ông Trump, người đang tìm kiếm nhiệm kỳ hai trong cuộc bầu cử năm 2020, đã nhờ sự trợ giúp của Ukraine nhằm bôi nhọ ông Joe Biden, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc đua này.

Theo bản ghi do Bộ Tư pháp cung cấp, ông Trump đã đề nghị ông Zelenskiy điều tra xem có phải ông Biden đã ngăn cản cuộc điều tra một công ty của con trai mình là Hunter Biden hay không. Trong điện đàm, ông Trump đã nói: "Có rất nhiều thông tin về chuyện của con trai ông Biden, và ông Biden đã ngăn cản cơ quan công tố và rất nhiều người muốn tìm hiểu sự thật, vậy sẽ rất tuyệt nếu ông có thể làm gì đó cùng với trưởng công tố...".

Ông Trump đã nói với ông Zelenskiy rằng trưởng công tố Mỹ William Barr sẽ tiếp xúc với ông về việc mở lại cuộc điều tra công ty khí đốt của Ukraine. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ Kerri Kupec cho biết Tổng thống Trump đã không đề nghị ông Barr tiếp xúc với Ukraine và trưởng công tố đã không liên lạc với phía Ukraine về một cuộc điều tra hay bất kỳ chủ đề nào khác.

Cuộc điện đàm trên diễn ra sau khi ông Trump ra lệnh cho Chính phủ Mỹ "đóng băng" gần 400 triệu USD tiền viện trợ cho Ukraine.

Theo Hiến pháp Mỹ, Hạ viện có quyền luận tội một Tổng thống nếu bị coi là "phạm tội nghiêm trọng và đạo đức xấu". Nhưng trong lịch sử nước Mỹ, chưa có Tổng thống nào từng phải rời nhiệm sở vì bị luận tội.  Phe Dân chủ hiện đang kiểm soát Hạ viện, song phe Cộng hòa của ông Trump đang nắm đa số tại Thượng viện.

Tiến Trung (TTXVN)
Công bố nội dung điện đàm Mỹ, Ukraine – Tiền lệ nguy hiểm
Công bố nội dung điện đàm Mỹ, Ukraine – Tiền lệ nguy hiểm

Dưới sức ép dư luận, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố bản tóm tắt nội dung cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine hồi tháng 7. Tuy nhiên, hành động này có thể khiến chính sách đối ngoại Mỹ bị tổn thương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN