Công bố nội dung điện đàm Mỹ, Ukraine – Tiền lệ nguy hiểm

Dưới sức ép dư luận, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố bản tóm tắt nội dung cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine hồi tháng 7. Tuy nhiên, hành động này có thể khiến chính sách đối ngoại Mỹ bị tổn thương.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump công bố nội dung điện đàm với Tổng thống Ukraine. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Vox, cuộc nói chuyện giữa hai nhà lãnh đạo đang là tâm điểm vụ bê bối chính trị ngày càng lớn, khiến phe Dân chủ chính thức mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump.

Vụ bế bối liên quan tới nghi vấn Tổng thống Trump dùng vị trí của mình để tìm cách ép Chính phủ Ukraine điều tra đối thủ chính trị của ông trong bầu cử tổng thống 2020, đó là cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Có nghi vấn ông Trump đã ép bằng cách trì hoãn viện trợ quân sự cho Ukraine cho tới khi Ukraine đồng ý với đề nghị của ông Trump.

Tổng thống Trump thừa nhận đã thảo luận về ông Biden với Tổng thống Ukraine nhưng khẳng định cuộc điện đàm đó hoàn toàn phù hợp và rất thân thiện.

Một số chuyên gia cho rằng mọi chuyện sẽ sáng t hơn nếu ta không quan tâm tới nội dung cuộc gọi. Vấn đề ở đây không nằm ở nội dung mà nằm ở chỗ động thái công bố nội dung điện đàm là rất không phù hợp và có thể thực sự ảnh hưởng xấu tới chính sách đối ngoại Mỹ.

Lý do là các nguyên thủ quốc gia cần có khả năng nói chuyện thẳng thắn với nhau và họ sẽ chỉ làm như vậy nếu có đảm bảo 100% rằng những gì họ nói sẽ được giữ bí mật. Cần rất nhiều tin tưởng để có thể nói chuyện qua điện thoại với một lãnh đạo thế giới khác về vấn đề chính trị và ngoại giao nhạy cảm.

Mặc dù các cố vấn cấp cao và thậm chí cả cơ quan tình báo đều có thể đang nghe cuộc nói chuyện, nhưng ai cũng kỳ vọng nội dung cuộc nói chuyện sẽ được giữ bí mật và không bị rò rỉ ra bên ngoài.

Có lý do hợp pháp để một tổng thống không muốn công bố bản ghi chép cuộc điện đàm với lãnh đạo nước ngoài cho dù cuộc gọi đó hoàn toàn không có vấn đề gì. Đó là lý do tại sao Tổng thống Trump không hài lòng khi tờ Washington Post đăng bản ghi chép điện đàm bị rò rỉ giữa ông và lãnh đạo Mexico, Australia cách đây hai năm.

Chú thích ảnh
 Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố sẽ thúc đẩy một cuộc điều tra nhằm tiến hành luận tội chính thức Tổng thống Trump do ông lạm dụng quyền lực. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, khi tự nguyện công bố nội dung điện đàm với Tổng thống Ukraine, ông Trump đang phá vỡ niềm tin.

Ông Michael McFaul, người từng làm Đại sứ Mỹ tại Nga thời chính quyền trước, viết trên Twitter: “Đây là một sai lầm lớn, một tiền lệ kinh khủng vì không lãnh đạo nước ngoài nào trong tương lai sẽ nói chuyện thẳng thắn với Tổng thống trong bất kỳ cuộc gọi nào. Các tổng thống cần có quyền ngoại giao riêng tư”.

Điều tồi tệ hơn là Tổng thống Trump có thể tốn công vô ích khi công bố nội dung cuộc điện đàm.

Bản thân bản ghi chép nội dung điện đàm sẽ không thể xác định được liệu ông Trump có định trì hoãn khoản viện trợ quân sự cho Ukraine là chỉ để buộc Ukraine điều tra gia đình ông Biden hay không.

Trong thực tế, Chính quyền Mỹ đã trì hoãn khoản tiền này nhiều tháng qua khiến các thành viên Quốc hội sinh nghi.

Nói tóm lại, Tổng thống Trump sẽ khiến Mỹ khó mà nói chuyện với đồng minh và điều phối chính sách đối ngoại sau khi công bố nội dung điện đàm.

Cùng chia sẻ quan điểm trên, ông Andrei Bystrisky, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ và Phát triển thuộc Câu lạc bộ quốc tế Valdai nhận định vụ bê bối liên quan cuộc điện đàm Mỹ-Ukraine nói trên là một bằng chứng nữa về cuộc đấu đá chính trị nội bộ ở Mỹ.

Chuyên gia này nói: "Chúng ta có thể thấy Mỹ hy sinh các mục tiêu chính sách đối ngoại vì những lợi ích chính sách trong nước. Điều này thật đáng tiếc và quan ngại không chỉ với Mỹ mà còn cả những quốc gia khác".

Chuyên gia này chỉ rõ, một tình huống như vậy không dính dáng gì tới cuộc xung đột ý tưởng và chiến lược vì nó chỉ là âm mưu nhằm tác động tới các đối thủ và để đạt được những mục tiêu ngắn hạn. Ông nhấn mạnh: "Trong nhiều trường hợp, lợi ích quốc gia và thậm chí là toàn cầu phải bị hy sinh".

Trước đó, khi công bố quyết định điều tra để luận tội Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng Tổng thống Trump đã phản bội lời thề khi nhậm chức, phản bội an ninh quốc gia và vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp Mỹ vì tìm cách tranh thủ một quyền lực nước ngoài nhằm giành lợi thế chính trị.

Đây là một quyết định lịch sử, một lần hiếm hoi cơ quan lập pháp Mỹ tiến hành luận tội một tổng thống đương nhiệm. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schif tuyên bố ông hoàn toàn ủng hộ việc chính thức điều tra luận tội tổng thống, khẳng định "đã quá đủ tồi tệ khi ông Donald Trump tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài trong cuộc bầu cử gần đây nhất".

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nhà Trắng công bố nội dung cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ-Ukraine
Nhà Trắng công bố nội dung cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ-Ukraine

Ngày 25/9, Nhà Trắng đã công bố bản ghi chép nội dung cuộc điện đàm hồi tháng 7 giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, vụ việc đang làm dậy sóng chính trường Mỹ và khiến ông chủ Nhà Trắng đối mặt với nguy cơ bị luận tội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN