Kịch bản nào cho việc luận tội đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ngày 24/9 (rạng sáng 25/9 theo giờ Việt Nam), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thông báo cơ quan lập pháp này đã chính thức mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump. Đây là một qui trình phức tạp tại Quốc hội Mỹ.

Chú thích ảnh
Trụ sở Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington D.C.

Theo Hiến pháp Mỹ “Luận tội” là một quyền của cơ quan lập pháp nhằm điều tra, truy tố và cuối cùng là phế truất các nhân viên của nhánh hành pháp (đứng đầu là tổng thống) trong trường hợp họ vi phạm hiến pháp hay pháp luật trong thời gian tại chức.

Luận tội có thể được tiến hành ở cả cấp bậc tiểu bang lẫn liên bang, đối với các viên chức ở cấp tương ứng. Theo qui định, Hạ viện sẽ điều tra và luận tội quan chức chính phủ, trong khi Thượng viện có nhiệm vụ tiến hành xét xử. Hiến pháp Mỹ (Điều 2) ghi rõ: "Tổng thống, Phó Tổng thống và các viên chức dân sự khác sẽ bị truất phế dựa trên quá trình luận tội nếu bị kết án là: phản quốc, hối lộ hay các tội nghiêm trọng khác".

Như vậy, với việc Chủ tịch Hạ viện Pelosi tuyên bố chính thức mở cuộc điều tra luận tội nhằm vào Tổng thống Trump. Quá trình này sẽ diễn ra như thế nào?

Các Ủy ban tham gia:

Sẽ có 6 ủy ban Hạ viện Mỹ tham gia tiến trình điều tra các cáo buộc phạm pháp của Tổng thống Trump, bao gồm Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Tình báo, Ủy ban Phương tiện và Cách thức, Ủy ban Tài chính, Ủy ban Giám sát và Ủy ban Đối ngoại.

Các Ủy ban này sẽ tiếp tục quá trình điều tra các cáo buộc luận tội Tổng thống Trump và gửi kết quả lên Ủy ban Tư pháp Hạ viện. Ủy ban Tư pháp khi đó sẽ tiến hành bỏ phiếu để quyết định có đưa các cáo buộc này ra thảo luận trước toàn thể Hạ viện hay không. Theo luật, chỉ cần một đa số tối thiểu (50%) số phiếu ủng hộ để thông qua bước thủ tục này.

Bước tiếp theo, một phiên họp toàn thể của Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu về một hoặc nhiều cáo buộc luận tội tổng thống. Nếu kết quả đa số phiếu ủng hộ cáo buộc nhằm vào tổng thống, khi đó, ông Trump sẽ chính thức bị luận tội tại Hạ viện và chuyển lên Thượng viện phán xét.

Hiện nay, Đảng Dân chủ đang chiếm đa số tại Hạ viện Mỹ khóa 116 (giữ 235 ghế so với 198 ghế của Đảng Cộng hòa). Sau khi Hạ nghị sĩ Cộng hòa Justin Amash rời bỏ đảng để ủng hộ luận tội Tổng thống, giờ đây phe Dân chủ có thể dễ dàng giành được một đa số phiếu ủng hộ để chính thức luận tội người đứng đầu Chính phủ Mỹ.

Phiên xét xử tại Thượng viện:

Sau khi Hạ viện đệ trình nghị quyết luận tội Tổng thống Trump, Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành một phiên xét xử, một qui định bắt buộc ghi trong Hiến pháp. Phiên xét xử này sẽ do Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts chủ trì. Thượng viện sẽ phải đưa ra phán quyết bằng một nghị quyết, cho dù kết luận là trắng án hay bị phế truất.

Nếu Thượng viện Mỹ tiếp tục phê chuẩn các cáo buộc luận tội do Hạ viện trình lên với 2/3 số phiếu ủng hộ (67 phiếu), Tổng thống Trump sẽ bị phế truất và kết thúc nhiệm kỳ trước thời hạn.

Tuy nhiên, kịch bản này hiện khá mờ mịt vì Đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ (với tỷ lệ 53 ghế so với 45 ghế của phe Dân chủ). Hiện Thượng viện Mỹ có hai Thượng nghị sĩ độc lập nhưng ủng hộ Dân chủ. Song khi đó, đảng Dân chủ cũng cần tới sự phản bội của 20 Thượng nghị sĩ Cộng hòa nữa thì mới có đủ 67 phiếu để luận tội Tổng thống Trump.

Theo giới quan sát tại Washington D.C, gần như chắc chắn nghị quyết luận tội Tổng thống Trump sẽ bị phủ quyết tại Thượng viện nếu như nó được Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát thông qua và trình lên.

Vì sao Tổng thống Trump bị luận tội:

Chủ tịch Hạ viện Pelosi cho rằng Tổng thống Trump đã phản bội lời thề khi nhậm chức, phản bội an ninh quốc gia và "vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp Mỹ" vì tìm cách tranh thủ một quyền lực nước ngoài nhằm giành lợi thế chính trị.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schif tuyên bố ông hoàn toàn ủng hộ việc chính thức điều tra luận tội tổng thống, khẳng định "đã quá đủ tồi tệ khi ông Donald Trump tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài trong cuộc bầu cử gần đây nhất".

Quyết định trên được đưa ra sau khi chính trường Mỹ dậy sóng xoay quanh cuộc điện thoại ngày 25/7 của Tổng thống Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Nhà lãnh đạo Mỹ hôm 22/9 thừa nhận đã trao đổi với người đồng cấp Ukraine về đối thủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 Joe Biden và con trai ông Biden, song bác bỏ cáo buộc gây sức ép buộc Ukraine điều tra ông Biden.

Ngoài ra, các ủy ban của Hạ viện Mỹ có thể điều tra các cáo buộc khác, như trục lợi cá nhân từ vai trò tổng thống, vi phạm luật tài chính trong chiến dịch tranh cử, điều chuyển ngân sách không thích hợp để xây dựng bức tường biên giới hoặc sử dụng quyền lực ân xá để “bật đèn xanh” cho vi phạm luật pháp…

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (áo trắng) và Tổng thống Donald Trump (trước) có thể có cuộc đối đầu chính trị mới. Ảnh: Fox News

Thời gian luận tội?

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi không ấn định khung thời gian cho tiến trình điều tra luận tội Tổng thống Trump, dù bà nói với các cộng sự rằng tiến trình này sẽ được hoàn tất “rất nhanh”. Theo một số nghị sĩ Dân chủ, quá trình có thể kết thúc trước cuối năm nay.

Có rất nhiều tiền lệ, nhưng vụ luận tội Tổng thống Bill Clinton năm 1998 được tiến hành tương đối nhanh chóng, trong khoảng ba tháng. Tuy nhiên, trước đó là cuộc điều tra đã kéo dài nhiều năm nhằm vào vợ chồng Bill và Hillary Clinton, do Công tố viên đặc biệt Kenneth Starr tiến hành. Ông Starr đã nộp bản báo cáo và nghiên cứu của mình cho Ủy ban Tư pháp Hạ viện, do đó ủy ban này không cần phải tiến hành một cuộc điều tra tốn thời gian riêng nữa.

Tổng thống nào đã từng bị luận tội?

Quốc hội cũng có thể luận tội các thẩm phán và các quan chức khác của nhánh hành pháp. Hai Tổng thống Bill Clinton (1998) và Andrew Johnson (1868) từng bị luận tội. Cả Tổng thống Johnson và Clinton đều bị luận tội tại Hạ viện nhưng sau đó được tha bổng tại Thượng viện và tiếp tục tại vị.

Lịch sử nước Mỹ còn một trường hợp nữa là Tổng thống Richard Nixon năm 1974. Khi đó, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn tiến trình luận tội ông Nixon liên quan tới vụ bê bối Watergate nổi tiếng. Tuy nhiên, Tổng thống Nixon đã từ chức trước khi Hạ viện có thể bỏ phiếu về vấn đề này.  

Trần Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Tiến trình điều tra và luận tội Tổng thống Trump diễn ra như thế nào?
Tiến trình điều tra và luận tội Tổng thống Trump diễn ra như thế nào?

Ông Donald Trump sẽ trở thành tổng thống thứ tư trong lịch sử nước Mỹ phải đối mặt với một cuộc điều tra luận tội. Trước đó, hai trường hợp dẫn đến xét xử và một tổng thống từ chức trước khi bị luận tội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN