Phát biểu ngày 21/10/2013 tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, ở thủ đô Washington DC., Tổng thống Barack Obama khẳng định Obamacare cho phép tất cả công dân Mỹ đều được hưởng mọi quyền lợi về y tế. Ảnh: AFP-TTXVN |
Trong thông điệp gửi tới Quốc hội về quyết định của mình, Tổng thống Obama bác lập luận của phe chỉ trích, nhấn mạnh đạo luật ObamaCare đưa đến những quy tắc công bằng hơn và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người mua bảo hiểm, khiến việc đăng ký bảo hiểm trở nên dễ dàng hơn, với chi phí hợp lý và chú trọng hơn đến người bệnh.
Quan trọng hơn cả là đạo luật này đang cho thấy những kết quả rõ rệt trong xã hội. Nhà Trắng cho biết ObamaCare đã giúp 17,6 triệu người dân Mỹ được cấp bảo hiểm.
Dự luật bị phủ quyết lần này là cố gắng mới nhất của Quốc hội hiện do phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát đa số nhằm kết thúc ACA. Dự luật thông qua tại Hạ viện hôm 6/1 với tỷ lệ 240 phiếu thuận và 181 phiếu chống sau khi Thượng viện bỏ phiếu vào năm ngoái.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho biết ông sẽ tiến hành bỏ phiếu để phủ quyết ngược lại lệnh phủ quyết của người đứng đầu Nhà Trắng. Tuy nhiên, quyết định này khó có khả năng thành công do ông Ryan sẽ phải cần tới sự ủng hộ từ đa số 2/3 tại cả Thượng viện và Hạ viện. Dự kiến, phiên bỏ phiếu này sẽ diễn ra vào ngày 26/1.
ObamaCare chính thức được ký ban hành ngày 23/3/2010 và là một trong những chính sách đối nội then chốt của Tổng thống Obama, đồng thời cũng là một trong những chương trình cải cách "mạnh tay" nhất tại Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Đây cũng là một trong những chủ đề gây tranh cãi gay gắt nhất giữa Nhà Trắng với phe Cộng hòa tại Quốc hội.
Các nghị sĩ Dân chủ ca ngợi đạo luật này tạo điều kiện cho tất cả người Mỹ đều có bảo hiểm y tế, bao gồm những đối tượng gặp các bệnh không nằm trong danh mục được bồi thường ở các chương trình bảo hiểm của công ty.
Trong khi đó, phe Cộng hòa hiện đang kiểm soát Quốc hội lại chỉ trích Chính quyền Obama đã "lạm quyền", đồng thời yêu cầu thay đổi một số điều khoản trong chương trình cải tổ chế độ bảo hiểm y tế bất chấp ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ phủ quyết.