Ngày 25/6, một ngày sau khi được Quốc hội trao cho quyền đàm phán nhanh, các ưu tiên trong chính sách đối nội của Tổng thống Barack Obama lại đón nhận tin vui khi Tòa án Tối cao ra phán quyết ủng hộ chương trình bảo hiểm y tế, thường gọi là ObamaCare. Tổng thống Obama hoan nghênh phán quyết của tòa. Tuy nhiên, các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ tiếp tục tìm cách chống lại chương trình bảo hiểm mà họ cho là lãng phí này.
Những người ủng hộ Obama hò reo ăn mừng sau khi Tòa án tối cao ra phán quyết. Ảnh: Reuters |
Phóng viên TTXVN tại Washington đưa tin, với 6 phiếu thuận và 3 phiếu chống, Tòa án Tối cao Mỹ ngày 25/6 đã bác bỏ sự thách thức về pháp lý đối với chương trình chăm sóc y tế ObamaCare, ủng hộ quyết định của chính phủ của Tổng thống Barack Obama, theo đó chính quyền liên bang trợ cấp cho các bang để hỗ trợ người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, có điều kiện mua bảo hiểm y tế. Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts và thẩm phán theo trường phái bảo thủ Anthony Kennedy đã cùng 4 thành viên theo trường phái tự do bỏ phiếu ủng hộ Đạo luật chăm sóc y tế với giá hợp lý (Affordable Care Act) mà Tổng thống Obama công bố năm 2010.
Thông cáo báo chí của Chánh án Robert kêu gọi các nghị sỹ Quốc hội Mỹ hãy bỏ phiếu thông qua ObamaCare, thay vì tìm cách loại bỏ nó, để cải thiện các điều kiện của thị trường bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe của người dân Mỹ. Ông Robert cho rằng trách nhiệm của các nhà lập pháp Mỹ là giúp đưa chương trình bảo hiểm này tới toàn bộ 50 bang của nước Mỹ. Ngay sau phán quyết của tòa, Tổng thống Barack Obama ra tuyên bố hoan nghênh, cho rằng quyết định ngày 25/6 của Tòa án Tối cao là một thắng lợi của người dân Mỹ. Hạ nghị sỹ Nancy Pelosi, thủ lĩnh phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện, hối thúc các đồng nghiệp Cộng hòa hãy ngay lập tức chấm dứt chiến dịch chỉ trích, chống phá ObamaCare.
Tuy nhiên, các nghị sỹ của đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ tiếp tục ngăn chặn chương trình này. Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, cho rằng ObamaCare sẽ làm cho cuộc sống của những người tham gia nó “thảm thương hơn”. Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa John Boehner cho rằng ObamaCare là một đạo luật “đã bị vỡ nát”, thề sẽ tiếp tục tìm cách thay thế ObamaCare bằng một đạo luật mà ông cho là “giúp ích hơn” đối với người cao tuổi, các chủ doanh nghiệp nhỏ và các gia đình trung lưu. Ông Boehner từng tuyên bố sẽ kiện Tổng thống Barack Obama về Obamacare với lý do “vượt quyền hạn cho phép khi ban hành luật này”. Các nghị sỹ của đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ biến ObamaCare thành một chủ đề quan trọng, thậm chí là một cuộc “trưng cầu dân ý” về kết quả chính sách đối nội của Tổng thống Barack Obama.
Đạo luật bảo hiểm và chăm sóc y tế giá phải chăng được ký ban hành năm 2010 và bắt đầu đi vào thực hiện từ tháng 10/2013. Đạo luật này được coi là cuộc cải tổ sâu rộng nhất trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế của Mỹ kể từ năm 1965. Tuy nhiên đạo luật này cũng đã làm bùng nổ cuộc tranh cãi chính trị gay gắt với việc phe Cộng hòa tại Quốc hội đã nhiều lần tìm cách hủy bỏ luật này.
Báo cáo của Phòng ngân sách quốc hội (CBO) cho biết ObamaCare sẽ giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng thêm 0,7%/năm vì nhiều người lao động sẽ phải tìm việc làm hoặc làm nhiều giờ hơn nếu họ bị mất trợ cấp chi phí chăm sóc y tế. Mục tiêu chính của Obamacare là giảm tỷ lệ người dân Mỹ không có bảo hiểm y tế bằng cách nới rộng các chương trình bảo hiểm kết hợp giữa nhà nước và tư nhân theo nhiều giai đoạn tới năm 2020. Ưu điểm của ObamaCare là giúp người lao động dễ dàng có bảo hiểm hơn; trợ cấp tài chính mua bảo hiểm cho những người hội đủ điều kiện; cấm việc từ chối bán bảo hiểm chỉ vì người mua bảo hiểm có bệnh sẵn trong người. Hiện đã có khoảng 6,4 triệu người Mỹ tại ít nhất 34 bang tham gia chương trình ObamaCare. Tuy nhiên, trên toàn nước Mỹ hiện vẫn có khoảng 26 triệu người không có bảo hiểm y tế.