Tổng thống Mỹ Joe Biden đứng trước thách thức mới trong xử lý xung đột ở Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện chuyến thăm Ukraine không báo trước, gây bất ngờ cho dư luận vào hôm 20/2. Ông cam kết hỗ trợ Ukraine “miễn là nước này cần”. Tuy nhiên, cam kết này khiến nước Mỹ và cả những nước khác hoài nghi khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ hai và Tổng thống Nga Putin không có dấu hiệu "xuống nước".

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc gặp ở Kiev ngày 20/2. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cựu đại sứ Mỹ tại Ba Lan Daniel Fried nhận định: “Nhiệm vụ của Tổng thống Biden là đấu tranh cho sự hỗ trợ của thế giới với Ukraine. Đây là một chuyến thăm quan trọng”.

Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden tin rằng nếu không có cảnh báo sớm từ họ cũng như sự ủng hộ lớn lao Washington dành cho Kiev thì Ukraine hiện nay đã bị xóa sổ khỏi bản đồ.

Họ cho rằng duy trì năng lực chiến đấu của Ukraine và giữ để xung đột không leo thang thành va chạm với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ được coi như một trong những thành tựu chính sách đối ngoại của ông Biden.

Nhiệm vụ hiện nay của Tổng thống Biden là thuyết phục người Mỹ và dư luận thế giới rằng điều quan trọng hơn hết vẫn là chiến đấu đồng thời thận trọng về khả năng hồi kết của xung đột sẽ không đến sớm.

Quyết tâm của Mỹ đương đầu với Nga đang chịu thử thách bởi các lo ngại trong nước và kinh tế bất định.

Theo kết quả khảo sát được Trung tâm nghiên cứu các vấn đề cộng đồng (NORC)-AP công bố vào tháng 2, có 48% người Mỹ được hỏi cho biết họ ủng hộ cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong khi đó có 29% phản đối và 22% cho biết rằng họ không ủng hộ và cũng không phản đối.

Đó là bằng chứng cho thấy sự ủng hộ đã thuyên giảm kể từ tháng 5/2022 khi 60% người Mỹ trưởng thành tham gia khảo sát cho biết họ ủng hộ gửi vũ khí cho Ukraine.

Những người tham gia khảo sát cũng khá chia rẽ về việc gửi ngân sách của chính phủ trực tiếp đến Ukraine với 37% ủng hộ, 38% phản đối và 23% không ủng hộ cũng như phản đối.

Trong tháng 2 này, 11 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã đề nghị Tổng thống Bide kết thúc hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine, đồng thời khuyến khích thúc đẩy Moskva và Kiev hướng đến thỏa thuận hòa bình.

Trong khi đó, một số thành viên khác của đảng Cộng hòa, bao gồm bà Nikki Haley, người mới tuyên bố tham gia tranh cử tổng thống năm 2024, đã khuyến khích nhanh chóng chuyển giao vũ khí tiên tiến hơn cho Ukraine. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 17/2 nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết giúp đỡ Ukraine”.

Thượng nghị sĩ Dan Sullivan bày tỏ ông mong Tổng thống Biden và chính quyền đương nhiệm nhấn mạnh với các đồng minh về việc cần thiết chia sẻ gánh nặng khi người Mỹ ngày càng chán nản về mức độ chi tiêu của nước này để hỗ trợ Ukraine và các đồng minh Baltic.

Mỹ là quốc gia đứng đầu trong hỗ trợ quân sự, kinh tế cho Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát. Trong khuôn khổ chuyến thăm Ukraine hôm 20/2, ông Biden cũng cam kết khoản viện trợ quân sự bổ sung cho Kiev, trị giá 500 triệu USD, trong đó có đạn pháo, lựu pháo và tên lửa chống tăng Javelin. Các quốc gia châu Âu và nhiều đồng minh khác đã cam kết hàng tỷ USD để ủng hộ Ukraine cũng như nhận người tị nạn trong xung đột.

Dưới đây là video về chuyến thăm của ông Biden đến Ukraine hôm 20/2 (nguồn: AFP):

Tổng thống Joe Biden ngay từ khi nhậm chức đã thể hiện rõ Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh quốc tế chính và nên là mối quan tâm hàng đầu đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Nhưng sau đó, Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Bà Yuki Tatsumi tại trung tâm nghiên cứu Mỹ Stimson Center phân tích chính quyền Tổng thống Biden muốn bảo đảm với các nước ở Ấn Độ - Thái Bình Dương rằng về ngắn hạn sẽ dành chú ý vào Ukraine nhưng về cơ bản Mỹ vẫn cam kết với Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Các tổng thống tiền nhiệm ông Biden đã cố gắng xoay trục sang châu Á nhưng đã thất bại do các sự kiện khác đã thay đổi sự tập trung của họ.

Với mục tiêu hướng chính sách đối ngoại của Mỹ đến Thái Bình Dương, Tổng thống Biden đã tìm cách nhanh chóng kết thúc sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan chỉ 7 tháng sau khi ông bước vào Nhà Trắng.

Các quan chức Mỹ nhận định rằng việc rút khỏi Afghanistan đã trao cho chính quyền ông Biden nguồn lực để tập trung vào hỗ trợ Ukraine đồng thời tăng cường theo sát việc đối trọng với Trung Quốc tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Xung đột Ukraine kéo theo tình trạng tăng giá tại thị trường năng lượng và thực phẩm, gây lạm phát, nhưng nhiều ý kiến cho rằng sự kiện này mang lại lợi thế trong cho ông Biden. Theo họ, cuộc xung đột tạo điều kiện để ông Biden thể hiện khả năng duy trì hỗ trợ Ukraine và vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo AP)
Tổng thống Putin đọc Thông điệp Liên bang, nói Nga ở thời điểm khó khăn và quan trọng
Tổng thống Putin đọc Thông điệp Liên bang, nói Nga ở thời điểm khó khăn và quan trọng

Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang thường niên trước 1.500 thành viên Quốc hội và khách mời, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ những suy nghĩ mới nhất về cuộc xung đột ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN