Tổng thống Mỹ: 'Hacker chính trị' sẽ phải chịu hậu quả lớn

Trong một tuyên bố trên Twitter tối 29/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn "gặp người đã tố cáo" cũng như "người đã cung cấp thông tin cho người tố giác một cách bất hợp pháp", liên quan cuộc điện đàm gây tranh cãi giữa ông và Tổng thống Ukraine Voloymyr Zelenskiy.  

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Trump đã bảo vệ tính minh bạch của cuộc điện đàm giữa ông và người đồng cấp Zelenskiy vào ngày 25/9 vừa qua, đồng thời chỉ trích người tố giác là "hacker chính trị". Tổng thống Trump nêu rõ đối tượng sẽ phải "chịu hậu quả lớn".

Cố vấn Nhà Trắng Stephen Miller cũng nhận định sự việc này là một âm mưu nhằm chống lại Tổng thống Trump. 

Trong một diễn biến trước đó cùng ngày, Tổng thống Trump đã kêu gọi người dân ủng hộ chính quyền, đồng thời cảnh báo Mỹ "đang bị đe dọa hơn bao giờ hết" sau khi ông trở thành mục tiêu trong cuộc điều tra luận tội với cáo buộc lạm quyền. Ông đề cập việc các nghị sĩ đảng Dân chủ thúc đẩy cuộc điều tra với cáo buộc ép Tổng thống Ukraine Voloymyr Zelenskiy "chơi xấu" đối thủ Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020.

Theo Tổng thống Trump, cuộc điều tra luận tội này là một "cuộc săn phù thủy" - ám chỉ hành động cố tình quy chụp các tội danh để hạ uy tín của ông. Tổng thống Trump cũng kêu gọi Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff, người phụ trách cuộc điều tra luận tội, từ chức vì đã "bôi nhọ" danh dự của tổng thống. Ông nhấn mạnh: "Tôi muốn ông Schiff bị thẩm vấn ở cấp cao nhất về tội gian lận và phản quốc".

Trong khi đó, ngày 29/9, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Schiff cho biết Quốc hội Mỹ quyết tâm tiếp cận mọi cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo khác trên thế giới, viện dẫn lo ngại rằng vị tổng thống thuộc đảng Cộng hòa có thể gây tổn hại cho an ninh quốc gia. 

Phát biểu trong chương trình "Meet the Press" (Gặp gỡ báo giới) của kênh truyền hình NBC, Hạ nghị sĩ Schiff nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng mục tiêu tối quan trọng ở đây là bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ và xác định liệu trong các cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới - đặc biệt là với ông Putin - Tổng thống Trump có đang phá hoại an ninh quốc gia theo cách mà ông ấy nghĩ rằng sẽ mang lại lợi ích cá nhân cho chiến dịch tranh cử của mình hay không". 

Cuộc điều tra luận tội đối với Tổng thống Trump được tiến hành sau khi một cá nhân trong cộng đồng tình báo Mỹ đã tố cáo ông Trump đã can thiệp cuộc bầu cử năm 2020 của Ukraine vì lợi ích chính trị cá nhân.

Người tố giác đã trích dẫn nội dung một cuộc điện đàm, trong đó ông Trump yêu cầu Tổng thống Ukraine Zelenskiy mở cuộc điều tra xem có phải cựu Phó Tổng thống Joe Biden - một đối thủ cạnh tranh với ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 - đã ngăn cản tiến trình điều tra đối với một công ty khí đốt của Ukraine mà con trai ông này là Hunter Biden đang là thành viên trong ban lãnh đạo hay không.

Theo người tố giác, các luật sư của Nhà Trắng đã chỉ đạo để bản tóm tắt điện tử của cuộc điện đàm trên được điều chuyển từ nơi lâu nay vẫn lưu giữ những thông tin tương tự sang một hệ thống điện tử riêng, dành cho các tài liệu được phân loại và đặc biệt nhạy cảm - một động thái mà đảng Dân chủ gọi là "một sự che đậy".

Ông Schiff nhấn mạnh: "Nếu những cuộc trò chuyện với Tổng thống Putin hoặc với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới được sắp xếp trong cùng một tệp điện tử, thì đây là hành động bí mật nhằm che giấu điều gì đó và chúng tôi đang quyết tâm tìm hiểu". 

Theo tiết lộ của ông Schiff với kênh truyền hình ABC, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cũng đã đạt được thỏa thuận để người tố giác xuất hiện trước ủy ban. Hiện nhân vật này đang được bảo vệ ở cấp liên bang. 

Cuộc điện đàm ngày 25/7 giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Zelenskiy được công bố ngay sau khi Mỹ đóng băng gần 400 triệu USD viện trợ cho Ukraine, điều này làm dấy lên lo ngại rằng ông chủ Nhà Trắng đang sử dụng tiền đóng thuế được quốc hội phê chuẩn làm đòn bẩy cho lợi ích chính trị cá nhân.

Trước đó ít tháng, Công tố viên đặc biệt Robert Mueller kết thúc cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016, kết luận rằng Moskva đã tiến hành một chiến dịch tin tặc và tuyên truyền để thúc đẩy chiến dịch tranh của của tỷ phú Donald Trump. Báo cáo điều tra của ông Mueller đã chỉ ra nhiều mối liên hệ giữa các quan chức Nga và chiến dịch tranh cử của ông Trump, tuy nhiên không đủ bằng chứng để xác định rằng đây là "một vụ phạm pháp". 

Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 29/9 cho rằng việc Nhà Trắng công bố bản gỡ băng cuộc điện đàm gần đây giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine Zelenskiy đã cho thấy những rủi ro trong các cuộc trao đổi với phía Washington. 

Hãng thông tấn TASS dẫn lời bà Zakharova trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Channel One của Nga cho biết động thái này của Mỹ đã làm thay đổi hình thức quan hệ giữa các quốc gia, giữa các nhà lãnh đạo và giữa các chính trị gia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh những hậu quả tiêu cực xuất phát từ quyết định trên của Mỹ có thể hết sức nghiêm trọng.  

Theo Hiến pháp Mỹ, Hạ viện có quyền luận tội một tổng thống nếu bị coi là "phạm tội nghiêm trọng và đạo đức xấu". Nhưng trong lịch sử nước Mỹ, chưa có tổng thống nào phải rời nhiệm sở vì bị luận tội. Phe Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện, song phe Cộng hòa của ông Trump nắm đa số tại Thượng viện.

Thanh Phương (TTXVN)
Thế giới tuần qua: Tổng thống Mỹ bị điều tra luận tội; LHQ loay hoay với bài toán xung đột
Thế giới tuần qua: Tổng thống Mỹ bị điều tra luận tội; LHQ loay hoay với bài toán xung đột

Phiên thảo luận chung kỳ họp thứ 74 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tổ chức tại New York (Mỹ) bắt đầu từ ngày 24/9 với sự tham gia của nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các nước và cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là hai sự kiện đáng chú ý trong tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN