Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AFP/TTXVN |
Iran cho rằng có thể ở lại thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức), có tên gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
IRNA dẫn lời nhà lãnh đạo Iran khẳng định: "Iran có thể vẫn ở lại JCPOA với điều kiện nước này hoàn toàn được lợi từ thỏa thuận này".
Cùng ngày, trong chặng dừng chân cuối cùng của chuyến công du nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với Nhóm P5+1, sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi ngày 9/5, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã có cuộc gặp với Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini trước khi hội đàm với những người đồng cấp Anh, Pháp và Đức, 3 quốc gia tham gia JCPOA từ năm 2015.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với bà Mogherini, Ngoại trưởng Iran khẳng định cuộc đàm phán với các nước châu Âu nhằm tìm giải pháp cứu JCPOA bất chấp việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này đang đi đúng hướng. Ông bày tỏ sự lạc quan về những lợi ích của Tehran trong thỏa thuận hạt nhân có thể vẫn được bảo toàn dù Mỹ rút khỏi. Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh: "Cuộc gặp với bà Mogherini diễn ra tốt đẹp và mang tính xây dựng... Chúng tôi đang đi đúng đường để chắc chắn rằng những lợi ích của các bên ký kết còn lại, nhất là Iran, được đảm bảo. Chúng tôi sẽ tiếp tục gặp nhau trong 2 tuần tới".
Liên quan đến JCPOA, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 15/5 cho biết Mỹ đang cố gây sức ép mạnh đối với những bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân Iran.
Phát biểu trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Philippines Alan Peter Cayetano, ông Lavrov nhấn mạnh: "Chúng tôi nhận thấy sức ép mạnh sẽ và đã bị áp đặt đối với các nước (những bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân Iran), họ (Mỹ) đã đưa ra những tối hậu thư về sự cần thiết phải dừng giao thương với Iran, trong đó có việc chuyển giao những sản phẩm nhất định, bao gồm mua dầu của Iran. Họ đã đặt ra những thời hạn 60 ngày, 90 ngày. Đây là kế hoạch gây sức ép lớn".
Theo Ngoại trưởng Nga, các đối tác EU tuyên bố sẽ có những bước đi không phụ thuộc vào Mỹ trong quan hệ kinh tế và thương mại với Iran.
Trong một diễn biến liên quan khác cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga không tự coi mình là một nhà trung gian trong quan hệ Iran-Mỹ mà chỉ là một bên tham gia JCPOA. Ông Ryabkov khẳng định: "Chúng tôi không tự nhận là một nhà trung gian giữa Iran và Mỹ. Chúng tôi xem mình là một trong những bên của thỏa thuận và chúng tôi sẽ tuân thủ điều này. Chúng tôi có những liên lạc và đối thoại chặt chẽ với tất cả các bên liên quan".