Tại một buổi lễ long trọng ở thủ đô Berlin, Tổng thống Steinmeier nhấn mạnh: "Ngày hôm nay, người Đức chúng ta được phép nói rằng: Ngày giải phóng là một ngày của sự biết ơn!".
Tuyên bố của Tổng thống Steinmeier gợi nhớ lại bài phát biểu mang tính bước ngoặt của cựu Tổng thống Richard von Weizsaecker năm 1985, khi ông trở thành người đầu tiên kêu gọi người Đức ghi nhớ ngày 8/5 không phải là một ngày thất bại, mà là một ngày giải phóng khỏi sự độc tài của Đức Quốc xã.
Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở châu Âu 8/5 năm nay đã buộc phải thu hẹp quy mô do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Nhân dịp này, Tổng thống Steinmeier cũng kêu gọi thế giới cần rút ra bài học từ quá khứ và hợp tác cùng nhau để chống lại đại dịch COVID-19.
Ông nêu rõ: "Đối với người Đức chúng tôi, cụm từ 'không bao giờ tái diễn' cũng đồng nghĩa với 'không bao giờ đơn độc'. Nếu như chúng ta không giữ gìn một châu Âu đoàn kết, bao gồm cả trong quá trình dịch bệnh bủa vây cũng như sau khi đã đẩy lùi dịch bệnh, thì chúng ta không thể sống đúng với tinh thần của ngày 8/5. Chúng ta muốn nhiều hơn, chứ không phải giảm bớt sự hợp tác - điều này luôn đúng, kể cả trong cuộc chiến chống đại dịch này".
75 năm đã trôi qua kể từ thời khắc lịch sử 22h43 (giờ Berlin) ngày 8/5/1945, tức 0h43 ngày 9/5/1945 (giờ Moskva), đại diện nước Đức quốc xã ký thỏa thuận đầu hàng vô điều kiện phe đồng minh (Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp). Kể từ đó, hằng năm, Ngày Chiến thắng - được nhiều nước châu Âu kỷ niệm vào ngày 8/5 và LB Nga kỷ niệm ngày 9/5.
Thời khắc ấy mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại, trở thành Ngày Chiến thắng chung của tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, ngày đánh bại chủ nghĩa phát xít, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939-1945). Đó đồng thời cũng là Ngày Chiến thắng vinh quang của quân và dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945).