Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Missouri ngày 30/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nhiều nước trên thế giới tiếp tục có phản ứng về vụ thử hạt nhân được xem có sức mạnh lớn nhất từ trước đến nay của Triều Tiên, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về hành động có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án vụ thử hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên, cho rằng những tuyên bố và hành động của Bình Nhưỡng tiếp tục là mối nguy hiểm với Mỹ. Trên trang Twitter, Tổng thống Trump viết: "Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử hạt nhân lớn. Lời nói và hành động của họ tiếp tục rất thù địch và nguy hiểm đối với Mỹ". Ông cũng cho rằng Triều Tiên cũng là mối đe dọa với cả Trung Quốc.
Thông tin từ Chính phủ Đức cho biết Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng bằng những ngôn từ cứng rắn nhất. Trong một cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp nhất trí rằng cộng đồng quốc tế cần kiên quyết phải ứng với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đồng thời cho biết Berlin và Paris nhất trí tìm kiếm những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Liên minh châu Âu đối với Triều Tiên.
Trong khi đó, ngoài việc kêu gọi Triều Tiên ngừng những hành động "sai lầm" đang làm tình hình xấu đi nghiêm trọng, Trung Quốc cũng tuyên bố hoàn toàn tôn trọng các nghị quyết của HĐBA LHQ đối với nước này. Trong khi Bộ Môi trường Trung Quốc thông báo bắt đầu theo dõi khẩn cấp phóng xạ dọc biên giới với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân của nước này.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi các bên bình tĩnh, kiềm chế, không có thêm bất cứ hành động nào nhằm tránh dẫn tới leo thang căng thẳng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Moskva kêu gọi tất cả các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán, khẳng định đây là giải pháp duy nhất để giải quyết mọi vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp ở Moskva, Nga ngày 4/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) được tổ chức tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến từ ngày 3-5/9, để thảo luận về vụ việc trên.
Giới chuyên gia cho rằng thời gian xảy ra vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên đã gây ra "bối rối" lớn cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyên gia về Triều Tiên Thành Hiểu Hà thuộc trường Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho rằng vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, diễn ra đúng thời điểm chuẩn bị khai mạc Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Trung Quốc, dường như đã được tính toán. Ông Thành nói: "Điều này sẽ thử khả năng Trung Quốc chuẩn bị tiến hành các hành động quyết liệt như ngừng việc cung cấp dầu cho Triều Tiên".
Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan chuyên nghiên cứu về Triều Tiên có trụ sở tại Mỹ, ông Nautilus Peter Hayes cho rằng vụ thử nói trên dường như nhắm đến ông Tập Cận Bình hơn là Tổng thống Donald Trump, trong đó nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn ông Tập Cận Bình tác động đến các tính toán đối với Bình Nhưỡng của Washington.