Tổng thống Biden giải thích lý do Mỹ chậm trễ bắn hạ khí cầu Trung Quốc

Tổng thống Joe Biden đã cho phép bắn hạ khí cầu tầm cao của Trung Quốc, một ngày ngay sau khi ông nhận được thông báo thiết bị đáng ngờ này bay lơ lửng trên các khu vực quân sự “nhạy cảm” của Mỹ. Nhưng ông đã được khuyên đợi đến thời điểm an toàn.

Chú thích ảnh
 Khí cầu của Trung Quốc trôi trên biển sau khi bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Surfside Beach, Nam Carolina, ngày 4/2. Ảnh: Reuters

“Khi được thông báo về khinh khí cầu, tôi đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc bắn hạ khí cầu càng sớm càng tốt,” ông Biden nói với các phóng viên hôm 4/2, ngay sau khi khinh khí cầu bị bắn hạ.

“Song giới chức quốc phòng đã quyết định không gây ảnh hưởng cho bất kỳ người dân nào trên mặt đất. Họ cho rằng thời điểm tốt nhất để bắn hạ khí cầu là khi nó bay trên mặt nước trong giới hạn 20 km.  Họ đã bắn hạ nó thành công và tôi muốn khen ngợi các phi công của chúng ta, những người đã thực hiện nhiệm vụ đó”.

Theo thư ký báo chí của Tổng thống Mỹ, ông Biden lần đầu tiên được thông báo về tình hình vào ngày 1/2. Khi được hỏi liệu ông có đưa ra yêu cầu rõ ràng nào không và ai đã đề nghị ông chờ đến thời điểm an toàn, nhà lãnh đạo Mỹ nhắc lại rằng ông “đã ra lệnh bắn hạ khí cầu này ngay từ hôm 1/2”.

Lầu Năm Góc đã khuyến nghị nên đợi cho đến khi có thể thực hiện việc bắn hạ trên mặt nước để bảo vệ dân thường khỏi các mảnh vỡ rơi xuống mặt đất từ độ cao hàng nghìn mét.

Vụ bắn hạ xảy ra sau khi Chính phủ Mỹ ra lệnh huỷ các chuyến bay đến và đi từ ba sân bay ở Nam Carolina, gồm Wilmington, Myrtle Beach và Charleston, với lý do thực hiện “nỗ lực an ninh quốc gia” nhưng không tiết lộ chi tiết. Các chuyến bay được nối lại vào chiều 4/2.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin xác nhận các máy bay chiến đấu của Quân đội Mỹ đã bắn hạ khinh khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc trên Đại Tây Dương ngoài khơi bờ biển Nam Carolina, phía đông nước Mỹ. 

Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cũng nói rằng Quân đội Mỹ đã sử dụng máy bay F-22 và bắn hạ khinh khí cầu bằng một tên lửa AIM-9X.

Các quan chức cho biết khinh khí cầu bị bắn rơi cách bờ biển Mỹ khoảng 6 hải lý, trên vùng nước tương đối nông, có khả năng hỗ trợ nỗ lực khôi phục các bộ phận chính của thiết bị do thám này từ các mảnh vỡ.

Lầu Năm Góc thừa nhận họ đã theo dõi thiết bị đáng ngờ này từ hôm 2/2. Khí cầu lần được phát hiện đi vào không phận Mỹ ngày 28/1, trước khi di chuyển sang không phận Canada vào ngày 30/1.

Sau đó, theo một quan chức quốc phòng Mỹ nó trở lại không phận Mỹ vào ngày 31/1. Các quan chức Mỹ đã không tiết lộ công khai về sự hiện diện của khí cầu cho đến ngày 2/2. Song quân đội tuyên bố khí cầu này không gây nguy hiểm cho máy bay hoặc đe dọa an ninh quốc gia.

Về phần mình, Bắc Kinh khẳng định rằng thiết bị này thực chất là khí cầu dân sự của Trung Quốc được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, chủ yếu là khí tượng học. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “đây hoàn toàn là một tình huống bất ngờ do tai nạn bất khả kháng” và  nước này “chưa bao giờ vi phạm lãnh thổ, không phận của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào”.

Đáp trả sự việc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã huỷ chuyến thăm tới Bắc Kinh. Washington cũng gọi đó là “sự vi phạm rõ ràng chủ quyền của Mỹ”. Trong khi đó, Trung Quốc phản bác rằng không có chuyến thăm nào được lên kế hoạch từ đầu.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Sự cố khí cầu 'đóng băng' hi vọng tan băng quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung Quốc
Sự cố khí cầu 'đóng băng' hi vọng tan băng quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung Quốc

Ồn ào chính trị về khinh khí cầu Trung Quốc nghi làm nhiệm vụ do thám trên bầu trời Mỹ không chỉ làm hỏng chuyến thăm Bắc Kinh đã được lên kế hoạch trước của Ngoại trưởng Mỹ, mà còn đe dọa làm đảo lộn những nỗ lực của cả hai nước nhằm ổn định mối quan hệ ngày càng rạn nứt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN