Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden cảnh báo rằng bất cứ hành động tấn công nào của Trung Quốc nhằm vào Philippines tại khu vực này sẽ nhận phải phản ứng từ Mỹ dựa trên hiệp ước quốc phòng song phương.
Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn”. Theo phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, Trung Quốc không có căn cứ lịch sử nào về vùng biển ở Biển Đông và Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn".
Chính quyền cựu Tổng thống Trump ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye và nêu rõ Washington coi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông là bất hợp pháp.
Ngoại trưởng Anthony Blinken ngày 11/7 đánh giá Trung Quốc đang “đe dọa tự do hàng hải” ở Biển Đông. Bên cạnh đó, ông Blinken nhấn mạnh: “Mỹ tái khẳng định chính sách ngày 13/7/2020 liên quan đến các khẳng định hàng hải tại Biển Đông”.
Ngoại trưởng Blinken viết: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ của nước này với luật pháp quốc tế, ngừng lối hành xử gây hấn, đồng thời có những bước đi nhằm bảo đảm với cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc tôn trọng trật tự hàng hải dựa trên luật pháp, tôn trọng các quyền của mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ”.
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Vì vậy, mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là "bất hợp pháp và vô giá trị".