"Hôm nay là khoảnh khắc đặc biệt, duy nhất sẽ không bao giờ xảy ra. Cả trong lịch sử Nga, Belarus và Ukraine, cũng như trong lịch sử thế giới, đặc biệt là châu Âu. Câu hỏi duy nhất là phải làm gì. Tất cả các bạn đều hiểu và biết rằng chỉ có một cách thức – đó là đàm phán. Đàm phán không có điều kiện tiên quyết", ông Lukashenko nói trong bài phát biểu trước người dân Belarus và các nhà lập pháp.
Đồng thời, ông đề xuất lệnh ngừng bắn mà không cần cả hai bên di chuyển thiết bị quân sự.
Nhà lãnh đạo Belarus cũng nhấn mạnh mối đe dọa về Chiến tranh thế giới thứ III và khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân là có thật. Tuy nhiên, ông Lukashenko nói rằng chính ông đã tăng cường đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin để đưa vũ khí hạt nhân trở lại Belarus.
"Trong bối cảnh hiện tại và tình hình chính trị - quân sự xung quanh đất nước chúng tôi, tôi đã tăng cường đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc bố trí vũ khí hạt nhân ở Belarus. Cụ thể là về sự trở lại của vũ khí hạt nhân đã được loại bỏ vào những năm 1990", Tổng thống Belarus giải thích.
Tổng thống Lukashenko thừa nhận ông không muốn rút vũ khí hạt nhân ra khỏi Belarus vào những năm 1990, nhưng ông đã bị phương Tây gây áp lực vào thời điểm đó.
Bên cạnh đó, ông cũng cảnh báo cuộc phản công của Ukraine có thể khiến các cuộc đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moskva trở nên bất khả thi và sẽ dẫn đến kịch bản leo thang khác.
"Thật không may, hiện nay, có rất nhiều cáo buộc cho rằng lực lượng vũ trang Ukraine sẽ thực hiện một cuộc phản công. Theo tôi, điều này cực kỳ nguy hiểm, đây là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong điều kiện hiện tại, bởi nó có thể dập tắt mọi hy vọng về quá trình đàm phán và khiến xung đột leo thang không thể đảo ngược", ông Lukashenko nhấn mạnh.
Hôm 25/3, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Moskva và Minsk đã nhất trí triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus. Ông nhấn mạnh động thái này không vi phạm các cam kết của Nga về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Cụ thể, Nga sẽ không chuyển giao vũ khí hạt nhân cho quốc gia đồng minh, mà chỉ đơn giản chỉ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ nước này.
Ngày 28/3, Bộ Ngoại giao Belarus đã cho biết lý do nước này buộc phải đặt vũ khí hạt nhân của Nga trên lãnh thổ mình là do các hành động gây hấn của các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang đe dọa an ninh của chính Belarus.
Belarus cũng khẳng định các kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus sẽ không trái với các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế vì Belarus sẽ không có quyền kiểm soát vũ khí này.
Phản ứng về thông báo triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus, một loạt quốc gia đã chỉ trích Nga.
Ngày 26/3, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine, ông Oleksiy Danilov, cảnh báo việc Nga lên kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus sẽ gây bất ổn cho quốc gia Đông Âu này.
Bộ Ngoại giao Ukraine đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức một cuộc họp khẩn về vấn đề liên quan, kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện những biện pháp quyết đoán nhằm ngăn chặn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.
Cùng ngày, NATO đã chỉ trích quyết định của Nga là nguy hiểm. Người phát ngôn của NATO - bà Oana Lungescu - cho biết: "NATO đang theo dõi chặt chẽ vấn đề này".
Về phần mình, ngày 27/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định bất chấp những lời chỉ trích từ phương Tây, Nga sẽ không thay đổi kế hoạch do Tổng thống Putin tuyên bố. Trả lời họp báo thường kỳ, ông Peskov nêu rõ: "Một phản ứng như vậy tất nhiên không thể ảnh hưởng đến các kế hoạch của Nga".