Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev khẳng định không thay đổi quan điểm về khu vực Nagorno-Karabakh. Ông nói: “Điều tôi yêu cầu hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, vì cả thế giới công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan, và không quốc gia nào trên thế giới công nhận Cộng hòa Nagorno-Karabakh”.
Do đó, ông cho rằng lực lượng Armenia cần phải rời khỏi lãnh thổ Azerbaijan và khi đó, chiến tranh sẽ dừng lại, xung đột sẽ kết thúc. Ông Aliyev nói tiếp: “Một thời gian sau, người Azerbaijan và Armenia một lần nữa có thể sống chung với nhau trong hòa bình”.
Về vấn đề quyền tự quyết của Nagorno-Karabakh, ông Aliyev nói những quốc gia nào muốn trao quyền tự quyết cho Nagorno-Karabakh, hãy để họ nhường một phần đất đai cho người Armenia từ Nagorno-Karabakh.
Về phần mình, Armenia ngày 2/10 cho biết sẵn sàng thảo luận ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh.
Các nước trên thế giới cũng kêu gọi hai bên ngừng bắn. Ngày 1/10, lãnh đạo Nga, Pháp và Mỹ (các đồng chủ tịch Nhóm Minsk) đã ra tuyên bố chung kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và nối lại đàm phán thực sự dưới sự bảo trợ của các đồng chủ tịch Nhóm Minsk. Nhóm Minsk được Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu lập ra năm 1992 để giải quyết xung đột Armenia và Azerbaijan.
Bộ trưởng Ngoại giao Armenia cho biết nước này sẵn sàng tham gia với các đồng chủ tịch Nhóm Minsk để tái thiết lập cơ chế ngừng bắn dựa trên các thỏa thuận năm 1994-1995.
Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Armenia có đoạn: “Armenia vẫn muốn có giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nagorno-Karabakh”. Tuy nhiên, tuyên bố cũng cho biết thêm sẽ phản ứng kiên quyết và mạnh mẽ với hành động gây hấn.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói trong một phỏng vấn rằng ông hoan nghênh lệnh ngừng bắn.
Trước đó không lâu, ngày 29/9, cả Armenia và Azerbaijan đều bác bỏ những lời kêu gọi tiến hành đàm phán giữa lúc cuộc xung đột của hai nước có nguy cơ biến thành cuộc chiến tổng lực. Tổng thống Azerbaijan đã thẳng thừng bác bỏ bất kỳ khả năng đàm phán nào, trong khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố rằng đàm phán không thể diễn ra trong khi giao tranh tiếp tục. Cả hai nước đều cáo buộc lẫn nhau về các cuộc tấn công từ bên kia qua biên giới chung, cũng như về phía Tây khu vực Nagorno-Karabakh.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, xung đột lần này ở Nagorno-Karabakh nghiêm trọng nhất trong nhiều năm khi hai nước đã tranh chấp khu vực hàng chục năm qua. Về tình hình chiến trường, đã có 98 người thiệt mạng, gồm 81 tay súng lực lượng ly khai ở Nagorno-Karabakh và 17 dân thường ở cả hai phía.