Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ cho hay Tổng Thư ký Guterres kêu gọi các bên ngay lập tức chấm dứt giao tranh, giảm căng thẳng và trở lại các cuộc đàm phán có ý nghĩa. Tổng Thư ký LHQ lên án việc sử dụng vũ lực và lấy làm tiếc trước những mất mát về người do xung đột. Tuyên bố nêu rõ Tổng Thư ký Guterres muốn thảo luận với Tổng thống Azerbaijan và Thủ tướng Armenia về vấn đề này.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ tìm cách chấm dứt bạo lực giữa Armenia và Azerbaijan. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã liên lạc với hai nước để hối thúc các bên ngay lập tức chấm dứt thù địch, sử dụng các kênh liên lạc trực tiếp hiện nay để tránh leo thang căng thẳng.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Điện Kremlin ngày 27/9 thông báo Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về tình trạng leo thang quân sự tại Nagorny-Karabakh. Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Putin đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về các hành động quân sự tại Nagorny-Karabakh. Ông cũng nêu bật tầm quan trọng của việc thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để ngăn chặn đối đầu leo thang hơn nữa và quan trọng nhất là cần phải ngăn chặn các hành động quân sự thù địch.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết NATO quan ngại sâu sắc trước tình trạng leo thang các hành động thù địch giữa Armenia và Azerbaijan, đồng thời kêu gọi thiết lập một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Tuyên bố nhấn mạnh NATO kêu gọi các bên xung đột ngay lập tức chấm dứt các hành động thù địch đang gây thương vong dân thường, khẳng định hành động quân sự không giải quyết được cuộc xung đột này, các bên cần nối lại đàm phán hướng tới một giải pháp hòa bình. NATO ủng hộ những nỗ lực của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Nhóm Minsk.
Pháp, Đức, Italy và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã lên tiếng kêu gọi ngay lập tức triển khai một lệnh ngừng bắn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh tuyến bố Tehran sẵn sàng hỗ trợ thiết lập các cuộc đối thoại và lệnh ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan.
Hai nước từng thuộc Liên bang Xô viết này đã vướng vào xung đột dai dẳng kéo dài nhiều thập kỷ liên quan tới tranh chấp Nagorno-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập khu vực này vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây.
Căng thẳng tái bùng phát vào sáng 27/9 sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên. Armenia cho rằng các lực lượng Azerbaijan đã nã pháo về phía khu vực Nagorno-Karabakh, trong đó có thành phố Stepanakert. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo triển khai một chiến dịch phản công và bảo vệ người dân sau khi lực lượng Armenia nã pháo vào quân đội nước này và tấn công các địa điểm dân sự.
Theo các nguồn tin chính thức, xung đột quân sự đã khiến ít nhất 23 người thiệt mạng và 100 người bị thương. Các vụ đụng độ được cho là nghiêm trọng nhất kể từ năm 2016 tại khu vực này càng làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia.
Đại diện của Armenia tại Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) ngày 27/9 cho biết nước này đã gửi khiếu nại tới ECHR nhằm buộc Azerbaijan chấm dứt các hoạt động quân sự chống dân thường tại Nagorny-Karabakh.
Trong khi đó, người phát ngôn Phủ Tổng thống Azerbaijan Hikmet Hajiyev cũng cho hay Azerbaijan đã ban bố thiết quân luật và lệnh giới nghiêm ở thủ đô Baku cũng như một số thành phố và khu vực khác gần Karabakh. Thiết quân luật sẽ được áp đặt từ nửa đêm 27/9, trong khi lệnh giới nghiêm sẽ kéo dài từ 21h tối hôm trước tới 6h sáng hôm sau. Trước đó, Armenia đã ban bố "thiết quân luật và tổng động viên".