Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, việc giảm tải cho con tàu này là phương án thứ ba sau khi thực hiện biện pháp kéo tàu từ cả 2 phía bằng cách sử dụng tàu kéo và đào cát, bùn từ bên dưới mũi tàu bằng tàu cuốc. Theo ông Rabie, Tổng thống El-Sisi chỉ đạo không đợi 2 phương án đầu tiên kết thúc mới bắt đầu thực hiện phương án 3. Theo các chuyên gia, việc giảm tải con tàu là trường hợp xấu nhất vì việc làm này được cho là sẽ mất nhiều thời gian hơn. Hiện nhà chức trách Ai Cập đang triển khai nhiều nỗ lực để giải cứu tàu Ever Given song chưa đạt được thành công như mong đợi.
Bên cạnh đó, ông Rabie cũng cho biết 2 tàu lai dắt của Ai Cập, có tên là Abdel Hamid Youssef và Mostafa Mahmoud, sẽ được tăng cường để tham gia cùng nhóm tàu cứu hộ giải cứu tàu Ever Given. Theo ông Rabie, 2 tàu lai dắt này có lực kéo 70 tấn. Ngoài ra, ông Rabie tiết lộ rằng các hoạt động nạo vét do tàu cuốc Mashhour thực hiện đã đạt khối lượng lên tới 27.000 m3 cát với độ sâu 18 mét.
Trước đó, kịch bản bốc dỡ khoảng 600 container nhằm giảm nhẹ tải trọng của tàu cũng đã được Ai Cập và công ty cứu hộ tính đến. Theo đánh giá, Ai Cập đang phải chạy đua với thời gian để sớm giải cứu "siêu tàu" mắc cạn vì quốc gia này đang thiệt hại nguồn thu từ 12-14 triệu USD mỗi ngày do giao thông trên kênh đào Suez bị đình trệ. Theo SCA, hiện số tàu ùn ứ ở cả hai đầu kênh đào này là khoảng 321 tàu.
Cùng ngày, Công ty vận tải biển Maersk cho biết công ty này và các đối tác có 22 tàu hiện đang chờ để đi qua kênh đào Suez trong bối cảnh giao thông trên tuyến đường thủy huyết mạch của thế giới này bị tắc nghẽn vì tàu Ever Given mắc cạn. Theo đánh giá của SCA, sẽ mất từ 3-6 ngày để toàn bộ tàu của hãng này đi qua. Do sự cố ở kênh đào Suez, Maersk và các đối tác đã điều hướng 14 tàu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng.
Tàu Ever Given, mang cờ Panama, có chiều dài hơn tổng chiều dài của 4 sân bóng đá và tải trọng lên tới 199.000 tấn. Khi tiến vào kênh đào Suez từ Biển Đỏ, con tàu đã bị mắc cạn từ ngày 23/3. Vụ mắc cạn đã khiến hoạt động giao thương đi qua kênh đào Suez hầu như tê liệt. Đặc biệt, nhiều tàu chở dầu bị mắc kẹt tại đây được cho là nguyên nhân khiến giá dầu tăng khoảng 5%.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu tình trạng tắc nghẽn giao thông hàng hải tại kênh đào Suez tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng tới hoạt động vận tải biển của toàn thế giới. Các tàu chở hàng sang châu Âu và bờ Đông Mỹ sẽ phải đi vòng qua châu Phi. Tình trạng này sẽ làm gia tăng chi phí vận chuyển và kéo dài thời gian vận tải hàng hóa.