Tổng thống Ai Cập đề xuất giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Libya

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 4/7, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya Mohamed Al-Menfi đã khẳng định việc tổ chức các bầu cử là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Libya.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Libya tại Sirte, ngày 9/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Phủ Tổng thống Ai Cập Bassam Rady cho biết trong cuộc điện đàm cùng ngày, ông El-Sisi và ông Al-Menfi đã nhấn mạnh sự cần thiết phải rút tất cả các lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê ra khỏi lãnh thổ Libya để đảm bảo thực hiện một thỏa thuận chính trị ở nước này. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng Libya phải xuất phát từ chính người dân Libya.

Tổng thống El-Sisi khẳng định Ai Cập sẽ tiếp tục nỗ lực để cung cấp mọi hình thức hỗ trợ cho Libya nhằm giúp quốc gia Bắc Phi có thể đạt được hòa giải dân tộc và chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Về phần mình, ông Al-Menfi ca ngợi những nỗ lực của Cairo do Tổng thống El-Sisi lãnh đạo nhằm hỗ trợ cho Libya, đặc biệt bằng cách góp phần khôi phục các thể chế quốc gia, thống nhất Quân đội Quốc gia Libya và chuyển giao các kinh nghiệm phát triển của Ai Cập cho Libya.

Libya đã chứng kiến một loạt cuộc biểu tình trong vài ngày qua, với hàng trăm người biểu tình bày tỏ sự thất vọng đối với giai cấp chính trị và các điều kiện kinh tế ngày càng xấu đi. Các cuộc biểu tình diễn ra một ngày sau khi các lãnh đạo của Quốc hội Libya có trụ sở tại miền Đông và Hồi đồng Cấp cao Nhà nước Libya có trụ sở tại Tripoli không đạt được thỏa thuận liên quan đến việc tổ chức các bầu cử trong cuộc đàm phán ngày 30/6 tại Geneva do Liên hợp quốc (LHQ) làm trung gian.

Một tuần trước, các cuộc đàm phán giữa Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya và Quốc hội Libya cũng đã diễn ra tại thủ đô Cairo của Ai Cập nhằm thống nhất cơ sở hiến pháp cho các cuộc bầu cử quốc gia. Tuy nhiên, các cuộc đàm đã kết thúc mà không đạt được bước đột phá nào. Các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội được lên kế hoạch vào tháng 12/2021 đã không thể diễn ra theo lịch trình đã định do những bất đồng sâu sắc giữa các trung tâm quyền lực ở miền Đông và miền Tây về cơ sở hiến pháp cho các cuộc bầu cử.

Trong cuộc họp báo ngày 3/7, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho biết căng thẳng gần đây ở Libya là dấu hiệu cho thấy một bộ phận lớn người dân Libya bất mãn với tình hình chính trị hiện nay ở nước này. Trong những năm qua, Ai Cập đã làm việc với các quan chức Libya nhằm giúp tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài ở quốc gia láng giềng này và khôi phục trật tự bằng cách tổ chức các cuộc bầu cử. Ai Cập cũng đã đăng cai tổ chức một loạt cuộc họp để thu hẹp bất đồng và thúc đẩy đối thoại giữa các bên của Libya.

Hồi tháng 6/2022, Cairo đã tổ chức vòng đàm phán mới nhất của Ủy ban Quân sự Chung Libya 5+5 nhằm thống nhất các lực lượng vũ trang của Libya và tạo cơ hội cho Ủy ban hiến pháp Libya đạt được đồng thuận về dự thảo hiến pháp.

Tuy nhiên, căng thẳng chính trị đã gia tăng ở Libya kể từ khi Quốc hội có trụ sở ở miền Đông hồi tháng 2/2022 chỉ định ông Fathi Bashagha làm thủ tướng mới, thay thế Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU) Abdul Hamid Dbeibah. Tuy nhiên, ông Dbeibah đã từ chối chuyển giao quyền lực cho bất kỳ chính phủ nào, ngoại trừ một chính phủ dân cử.

Nguyễn Trường (TTXVN)
Quốc hội Libya muốn chính phủ của Thủ tướng Bashagha đặt trụ sở ở Sirte
Quốc hội Libya muốn chính phủ của Thủ tướng Bashagha đặt trụ sở ở Sirte

Ngày 10/5, Quốc hội Libya cho biết muốn chính phủ do cơ quan này bổ nhiệm do ông Fathi Bashagha lãnh đạo đặt trụ sở tại thành phố Sirte, trong bối cảnh việc kiểm soát thủ đô Tripoli rơi vào bế tắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN