Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, động thái trên thể hiện rõ ông Bashagha chưa thể tiếp quản Tripoli kể từ khi ông được Quốc hội Libya chỉ định giữ chức Thủ tướng hồi tháng 3 vừa qua, trong bối cảnh Libya tê liệt bởi cuộc khủng hoảng do sự tồn tại song song của chính phủ do ông Bashagha đứng đầu và Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU) có trụ sở tại Tripoli do ông Abdulhamid al-Dbeibah đứng đầu.
Bế tắc giữa hai chính phủ có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc xung đột mới và quốc gia Bắc Phi này một lần nữa bị chia cắt giữa các phe đối địch, sau 2 năm nước này ghi nhận tình hình ổn định hơn.
Cả hai bên đều được các phe phái vũ trang hậu thuẫn và bất cứ động thái nào của ông Bashagha tìm cách tiến vào Tripoli đều có nguy cơ gây ra giao tranh trên khắp các khu vực miền Tây Libya.
Người phát ngôn Quốc hội Libya Abdullah Belhaiq cho biết cơ quan lập pháp này sẽ tổ chức phiên họp tiếp theo tại Sirte, một thành phố ven biển miền Trung, để ủng hộ chính phủ của ông Bashagha.
Libya rơi vào hỗn loạn kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi. Từ năm 2014, nước này trong tình trạng chia rẽ giữa các phe phái đối địch ở miền Tây - nơi có thủ đô Tripoli, và miền Đông - nơi Quốc hội chuyển đến. Năm 2021, Libya tương đối yên bình sau khi các phe phái chính trị đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài vào tháng 10/2020 và LHQ thúc đẩy kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp.
Chính phủ do ông Dbeibah đứng đầu được thành lập năm 2021 để điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp. Tuy nhiên, sau khi tiến trình bầu cử đổ vỡ do bất đồng về các quy định bầu cử, Quốc hội ở miền Đông tuyên bố nhiệm kỳ của ông Dbeibah đã kết thúc và bổ nhiệm chính phủ mới do ông Bashagha đứng đầu. Ông Dbeibah khẳng định chính phủ của ông vẫn hợp lệ và ông sẽ chỉ chuyển giao quyền lãnh đạo sau một cuộc bẩu cử.